Web Content Viewer
Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong QĐND Việt Nam”
(Bqp.vn) - Sáng 25/5, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Sĩ quan Chính trị tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Các đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chủ trì hội thảo có: Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị; Thiếu tướng, TS Bùi Hải Sơn, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thiếu tướng, PGS, TS Kim Ngọc Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị.
Các đại biểu dự hội thảo.
Lan tỏa, đổi mới, nâng cao nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng nêu rõ, hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, sự vận động của đời sống xã hội và sự phát triển của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với công tác giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị trong Quân đội.
Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng phát biểu khai mạc hội thảo.
Theo Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, trong khi các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận những đóng góp vĩ đại của Bác, phủ nhận giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, thì việc phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục truyền thống nói chung, giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở nói riêng càng trở nên quan trọng.
Những năm qua, di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành những “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân nói chung, cũng như cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nói riêng. Vì vậy, việc phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong QĐND Việt Nam, trong đó luận chứng giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thẩm thấu trong các di tích để lan tỏa, đổi mới, nâng cao nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị là vấn đề có ý nghĩa quan trọng; góp phần trực tiếp vào sự nghiệp xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lấy xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở, nền tảng, Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng khẳng định.
Quang cảnh hội thảo.
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Trung tướng Nguyễn Hùng Oanh nhấn mạnh, là con người của lịch sử và làm ra lịch sử, tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ở cả thực tiễn và lý luận với các giá trị trường tồn, lớn lao về tư tưởng, phong cách, đạo đức; nghị lực sống và lý tưởng cách mạng. Trong hành trình vĩ đại của Người luôn gắn liền với các di tích, chứng liệu, hiện vật lịch sử khác nhau - đây là một phần di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, là bằng chứng thuyết phục để lan tỏa nguồn năng lượng vô giá cho các thế hệ của ngày hôm qua, hôm nay và mai sau.
Quần thể di tích về Bác trên khắp cả nước và ở nước ngoài không chỉ ghi lại chứng tích về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà còn là “địa chỉ đỏ” để quy tụ tình cảm, giáo dục truyền thống, khơi dậy khát vọng cống hiến, sáng tạo của các thế hệ người Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục lan tỏa các giá trị trường tồn của di tích, di sản Hồ Chí Minh đến các dân tộc trên thế giới.
“Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là bộ phận không thể tách rời của di sản và không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới”, Trung tướng Nguyễn Hùng Oanh nói.
Giáo dục truyền thống, bồi đắp niềm tin cho thế hệ trẻ
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh yêu cầu, với ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo, các đại biểu tham dự hội thảo cần phát huy trí tuệ, trách nhiệm, tập trung làm rõ giá trị cơ bản di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong thời kỳ mới; phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, bồi đắp niềm tin, tình cảm cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, xây dựng văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh cũng đề nghị các Bộ, Ban, ngành Trung ương và các địa phương thường xuyên quan tâm giúp đỡ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị Quân đội để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục truyền thống cách mạng cho các lực lượng, nhất là thế hệ trẻ thông qua các di tích, cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước; nâng cao nhận thức cho nhân dân về truyền thống vẻ vang của Quân đội, vai trò của Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mối quan hệ quân - dân, góp phần lan tỏa nét đẹp phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh và các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh chung.
Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu đã tập trung luận chứng, làm sáng tỏ quan niệm và nội hàm của quan niệm về di tích, giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, cung cấp cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trường Sĩ quan Chính trị những luận cứ khoa học có giá trị nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là các di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt và cấp tỉnh ở các địa phương trong cả nước.
Các tham luận cũng tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những giá trị của di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Trên cơ sở những “chứng tích” lịch sử đó, để khẳng định và rút ra ý nghĩa trong giáo dục truyền thống cách mạng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đồng thời phân tích, đánh giá thực trạng của việc phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Từ đó, đề xuất những giải pháp vừa có tính khả thi cao, vừa phù hợp với sự phát triển của thực tiễn để phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị ở các cơ quan, đơn vị Quân đội; đánh giá khách quan, dự báo xu hướng vận động và đề xuất các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trước những tác động, ảnh hưởng của bối cảnh thế giới và trong nước.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác tư pháp, thanh tra, pháp chế và công tác 1389 tại Quân đoàn 1
- Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức pháp luật năm 2023” trên Báo Quân đội nhân dân
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ngành Doanh trại
- Đại tướng Phan Văn Giang làm việc về tình hình, tiến độ một số nhiệm vụ, đề án
- Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ tại tỉnh Quảng Ninh