Web Content Viewer
ActionsTrung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam - Chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển
(Bqp.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả để lại vẫn còn rất nặng nề đối với đất nước, con người Việt Nam. Bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh hiện vẫn còn nằm rải rác trên tất cả các tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và gây ra nhiều hậu quả đau thương đối với người dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo 701 trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba tặng VNMAC tại Hội nghị Sơ kết chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025, tháng 12/2022.
Với quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước phấn đấu đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, vật nổ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường an toàn cho người dân sinh sống, ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (gọi tắt là Chương trình 504), đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Ngày 22/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 504) nay là Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 701) và thành lập Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo nhằm trực tiếp triển khai chương trình.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 701 thăm và làm việc tại VNMAC, tháng 6/2023.
Để thực hiện việc điều hành, điều phối triển khai các nhiệm vụ của Chương trình 504, ngày 04/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC). Đây là tổ chức đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý với chức năng, nhiệm vụ là chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất chính sách, xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn dài hạn, trung hạn; vận động tài trợ cấp quốc gia; quản lý thông tin trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam; tổ chức điều phối thực hiện các dự án, nhiệm vụ rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và các nhiệm vụ khác theo Chương trình 504.
Quang cảnh Hội nghị Công bố quyết định Ban chỉ đạo và Tổ nghiên cứu lập đề nghị xây dựng Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.
Những ngày đầu mới thành lập, mặc dù cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhiệm vụ có tính chất đặc thù cao, nhiều nội dung mới, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đội ngũ cán bộ, nhân viên của VNMAC đã khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao. Trong đó, VNMAC đã tích cực tham mưu trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý, đề xuất mục tiêu, xác định chương trình, xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn trong từng giai đoạn chặt chẽ; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo 701 và Cơ quan Thường trực trong điều phối thực hiện Chương trình 504; triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình 504 các giai đoạn sát với tình hình thực tiễn của đất nước. Nổi bật là, VNMAC đã chủ trì tham mưu, đề xuất với Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị định số 18/2019/NĐ-CP về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (gọi tắt là Nghị định 18); tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 195/2019/TT-BQP; tham mưu, chủ trì xây dựng văn bản “Tổng kết thi hành pháp luật về khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2006 - 2022”; triển khai xây dựng Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam; tham gia nội dung với các Bộ, ngành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng, như: Chế độ, chính sách hỗ trợ người khuyết tật; quản lý vật liệu nổ công nghiệp; quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Đặc biệt, năm 2018, VNMAC đã chủ động đề xuất với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ công bố bản đồ hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Thông qua đó khẳng định sự nỗ lực, chính sách ưu tiên của Chính phủ Việt Nam cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; đồng thời, là nền tảng, căn cứ quan trọng cho các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ có điều kiện thuận lợi tiếp cận, hợp tác, tài trợ nguồn lực cho Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn.
VNMAC và Tổ chức Peace Trees Việt Nam ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.
Nhận thức đúng đắn vai trò, ý nghĩa của công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, VNMAC đã tích cực, chủ động, đa dạng hóa các hoạt động trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, vận động tài trợ quốc tế; tổ chức tốt các hội nghị, hội thảo, triển lãm quốc tế để tiếp thu kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn; vận động các tổ chức quốc tế tài trợ nguồn lực cho Việt Nam để nâng cao năng lực, triển khai các dự án điều tra, khảo sát, rà phá, quản lý thông tin và quản lý chất lượng hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ. Trong điều kiện nguồn lực của đất nước chưa thể sớm khắc phục hết diện tích ô nhiễm bom mìn, VNMAC đã chủ động đề xuất với Ban Chỉ đạo 701 cho phép phối hợp với Trung tâm quốc tế Giơ-ne-vơ về rà phá bom mìn nhân đạo (GICHD) triển khai thành công dự án “Thí điểm quy trình bộ công cụ quản lý rủi ro bom mìn, vật nổ sau chiến tranh” tại Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Dự án thành công là cơ sở đề xuất với Chính phủ hoạch định chiến lược quản lý, khắc phục diện tích đất ô nhiễm; đồng thời là cơ sở xác định cụ thể kế hoạch bảo đảm an toàn cho người dân trong các vùng còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Ngoài ra, VNMAC đã tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế do Cơ quan hành động bom mìn Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ tổ chức để tranh thủ vận động nguồn lực và kinh nghiệm sử dụng nguồn lực, bảo đảm đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
VNMAC tổ chức tuyên truyền về tác hại cũng như cách nhận biết bom mìn cho học sinh tỉnh Quảng Trị.
Bên cạnh các nhiệm vụ khảo sát, rà phá, huy động nguồn lực quốc tế, VNMAC cũng rất chú trọng đến các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ tại nhiều địa phương trên cả nước; hàng nghìn người dân được tiếp cận với các kiến thức phòng tránh tai nạn bom mìn, giúp họ sống, làm việc, học tập an toàn trên các vùng đất còn ô nhiễm. VNMAC đã phối hợp hiệu quả với Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ nạn nhân; làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo 701 về công tác truyền thông giáo dục phòng, tránh tai nạn bom mìn; huy động sự vào cuộc của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương, đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và nhân dân cả nước, qua đó đã góp phần từng bước hạn chế tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Đặc biệt, VNMAC còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, cung cấp vốn, con giống, hỗ trợ việc làm để nạn nhân bom mìn có cơ hội được hòa nhập cộng đồng, từng bước phát triển, nâng cao đời sống kinh tế.
VNMAC tổ chức rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến trạnh tại tỉnh Quảng Bình.
Xác định rõ công tác điều tra, khảo sát kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ đóng vai trò rất quan trọng, trong giai đoạn 2014 - 2023, VNMAC đã chủ động đề xuất và trực tiếp điều phối các dự án lớn, góp phần cùng với các lực lượng trong cả nước triển khai tổ chức rà phá bom mìn, vật nổ, làm sạch gần 500.000 héc-ta. Đồng thời, nỗ lực triển khai dự án từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho Việt Nam tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định, trong đó đã tổ chức khảo sát kỹ thuật gần 20.000 héc-ta và triển khai rà phá bom mìn trên 10.000 héc-ta, qua đó đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương...
VNMAC tổ chức tập huấn thực hành xử lý vật liệu nổ theo tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế IMAS cấp độ 1, tháng 6 năm 2023.
Cùng với đó, công tác huấn luyện nâng cao năng lực, nghiên cứu khoa học và quản lý thông tin cũng được VNMAC triển khai chặt chẽ, khoa học, hiệu quả. Những năm qua, VNMAC đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các lớp tập huấn về công tác xử lý vật liệu nổ và xử lý y tế ban đầu theo chuẩn quốc tế cấp độ I, II, III; tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn về nâng cao năng lực quản lý, điều hành các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ; chủ trì triển khai thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Quốc phòng liên quan đến khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ. Đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn của đơn vị ngày càng có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Cán bộ, nhân viên VNMAC tham gia hiến máu tình nguyện.
Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc VNMAC luôn quan tâm đến hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ; tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động của các cấp, các ngành. Đơn vị đã có nhiều chương trình, hoạt động hết sức có ý nghĩa hướng tới đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các chương trình thiện nguyện, giao lưu văn hóa thể thao với các đơn vị và chính quyền địa phương trên địa bàn đóng quân, góp phần tăng cường mối đoàn kết, gắn bó quân - dân.
VNMAC tổ chức tặng bò giống hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn tỉnh Hà Giang.
Theo Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công Binh, Tổng Giám đốc VNMAC, sự ra đời của VNMAC đã đánh dấu một bước ngoặt trong định hình phương thức tiến hành hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh theo hướng tích cực, chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, quy chuẩn và an toàn. Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay VNMAC đã trưởng thành về mọi mặt, có vị trí quan trọng trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh không chỉ ở trong nước mà cả ở khu vực và trên trường quốc tế.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Thượng tướng Lê Huy Vịnh kiểm tra công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
- Chuẩn bị tốt tổng kết 10 năm Nghị quyết QUTW về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn
- Khai mạc Hội thi tuyên truyền viên trẻ toàn quân năm 2024 khu vực phía Bắc
- Thư của Đại tướng Phan Văn Giang chúc mừng 70 năm Ngày truyền thống Nhà máy Z157
- Bế mạc Hội thao Thể thao quốc phòng năm 2024