Web Content Viewer
ActionsClaodơvít và tác phẩm “Bàn về chiến tranh”
(Bqp.vn) - Claodơvít (1780 - 1831) là nhà lý luận quân sự nổi tiếng của nước Phổ. Ông giữ chức Thiếu tướng quân đội nước Phổ năm 1818. Trước đó, từ năm 1808, ông phục vụ trong Bộ Tổng tham mưu quân đội nước Phổ; từ tháng 5/1812 đến năm 1814 chuyển sang phục vụ quân đội Nga làm sĩ quan tham mưu; đến tháng 4-1814 trở về phục vụ quân đội Phổ, tham gia chiến tranh chống Napôlêông các năm 1806 - 1807, 1812 - 1814, 1814 - 1815 trong hàng ngũ quân đội Phổ và Nga. Ông làm giám đốc trường quân sự Béclin từ năm 1818 - 1831. Claodơvít đã nghiên cứu trên 130 cuộc chiến tranh từ thời kỳ năm 1566 - 1815 và viết một số tác phẩm nổi tiếng về lịch sử quân sự trong đó đặc biệt xuất sắc là tác phẩm “Bàn về chiến tranh”.
“Bàn về chiến tranh” là một tác phẩm quan trọng của Claodơvít bàn về bản chất và quy luật của chiến tranh; là những luận điểm hết sức xuất sắc về chiến tranh và quân đội được khái quát từ hơn 130 chiến cục khác nhau. Tác phẩm cũng là sự tổng kết đầy sáng tạo lý luận quân sự của các thế hệ trước, là sự phát triển trong lĩnh vực tư tưởng quân sự ở thời đại của ông. Trong tác phẩm đó, Claodơvít đã trình bày một cách cơ bản và hệ thống các quan điểm, tư tưởng quân sự của mình.
Trước hết,ông đề cập đến bản chất của chiến tranh và rút ra khái niệm: chiến tranh là một hành vi bạo lực dùng để buộc đối phương phục tùng ý chí của mình. Chiến tranh là sự huy động sức mạnh không hạn độ, sức mạnh đến tột cùng của các bên tham chiến. Đó không phải là sự tác động của một lực lượng sống vào lực lượng chết mà là sự xung đột quyết liệt giữa hai lực lượng sống. Vì vậy, khi chưa đánh bại được kẻ địch thì lực lượng tham chiến vẫn sợ nó đánh bại mình.
Điểm sáng tạo trong tư tưởng quân sự của Claodơvít là ở chỗ, ông đã chỉ ra mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị, thực chất chính là ông muốn nói lên bản chất của chiến tranh. Chiến tranh của một cộng đồng tiến hành bao giờ cũng là một hành vi chính trị, một sự kế tục của các quan hệ chính trị, một sự thực hiện các quan hệ chính trị bằng các biện pháp khác. Luận đề chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực, có thể nói đó là một khái quát sâu sắc, một sự phát triển mới trong tư duy lý luận quân sự, một luận đề có tính kinh điển về bản chất của chiến tranh. Phát triển những quan điểm triết luận về chiến tranh, Claodơvít chỉ rõ mục đích của chiến tranh là nhằm tiêu diệt các lực lượng quân sự của địch. Một là, đặt các lực lượng này vào tình thế không thể tiếp tục chiến đấu được. Hai là, cần phải chiếm lãnh thổ vì kẻ địch có thể dựa vào đó để tổ chức các lực lượng quân sự mới. Ba là, phải đánh bại ý chí của kẻ thù. Để thực hiện mục đích ấy có nhiều cách thức nhưng theo Claodơvít, biện pháp có ý nghĩa quyết định nhất là biện pháp chiến đấu. “Quan niệm về chiến tranh có thể có rất nhiều hình thức, nó cũng có thể rất xa sự bùng nổ thô bạo và đầy căm thù trong cuộc vật lộn. Nó cũng có thể lẫn lộn rất nhiều yếu tố không dính líu đến cuộc chiến đấu thực sự... nhưng kết quả của chiến tranh bao giờ cũng chỉ có một nguyên nhân là chiến đấu mà thôi”. Mọi tuyến hoạt động của chiến tranh đều nhằm phục vụ cho giao chiến. Trong giao chiến, mọi hoạt động đều nhằm tiêu diệt kẻ thù hay nói đúng hơn là tiêu diệt khả năng chiến đấu của chúng. Vì tiêu diệt khả năng chiến đấu chính là khái niệm giao chiến được tóm tắt lại. Và vì vậy, việc tiêu diệt các lực lượng vũ trang của kẻ thù luôn luôn là biện pháp nhằm đạt mục đích của giao chiến. Do đó, “việc tiêu diệt lực lượng kẻ thù là hòn đá thử vàng của mọi hành động chiến tranh, là chỗ dựa tối hậu của mọi cách bố trí. Hành động chiến tranh nào cũng dựa trên ý nghĩa: hành động phải đưa lại thắng lợi”. Nhấn mạnh biện pháp tiêu diệt địch, Claodơvít còn đề cập đến khía cạnh thứ hai là bảo toàn lực lượng ta. Đó là hai cố gắng luôn đi đôi với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và là hai bộ phận của một ý đồ.
Để thực hiện mục tiêu và biện pháp chiến đấu, Claodơvít đưa ra quy luật: giải quyết bằng sức mạnh vũ khí. Luận điểm của Claodơvít đã trở thành nền tảng tinh thần cho các luận điểm quân sự tư sản sau này. Và đây cũng có thể xem là một điểm vừa hạn chế, vừa mâu thuẫn trong tư duy quân sự Claodơvít, khi ông đã phát hiện thấy vai trò nhân tố tinh thần trong chiến trận, xem nhân tố tinh thần như một mũi lao kim loại sắc nhọn thì đồng thời ông cũng khẳng định quy luật sức mạnh của vũ khí để giành thắng lợi trong chiến đấu.
Tiếp tục đi sâu vào các luận điểm chiến tranh và hoạt động chiến đấu, tư tưởng quân sự của Claodơvít còn đề cập đến vấn đề thiên tài quân sự. Bởi vì, theo ông, chiến tranh là lĩnh vực hoạt động đặc thù “là sự nguy hiểm, cố gắng vật chất, sự bấp bênh và ngẫu nhiên”. Đó là môi trường “kỳ lạ” mà ở đó đời hỏi con người nhiều phẩm chất đặc biệt như nghị lực, sự vững vàng, tính kiên trì, sức mạnh của tính cách và trí tuệ. Đó là những phẩm chất mà theo Claodơvít cần phải có ở một thiên tài quân sự. Đi sâu vào hoạt động đặc thù của chiến trận, Claodơvít còn đề cập đến những vấn đề như: sự nguy hiểm, căng thẳng trong chiến tranh, tình báo trong chiến tranh, sự cọ xát trong chiến tranh mà theo ông những điều đó sẽ tạo nên không khí đặc trưng của chiến tranh, chúng tô đậm thêm tính đặc thù của hoạt động quân sự và đấu tranh vũ trang mà con người tiến hành. Vì vậy, cần phải chú trọng rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm, xây dựng thói quen thời chiến ngay từ trong thời bình.
Các nội dung tiếp theo trong “Bàn về chiến tranh” của Claodơvít là những chương đi sâu vào những vấn đề có tính nguyên tắc trong chiến tranh như việc cần thiết phải xây dựng hệ thống lý luận về chiến tranh, về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, về vai trò của chiến lược và chiến thuật. Claodơvít khẳng định: “chiến lược là sử dụng giao chiến để đạt được mục đích chiến tranh”. Nó phải quy định cho toàn bộ hành vi chiến tranh một mục đích phù hợp với đối tượng chiến đấu. Nghĩa là nó vạch ra kế hoạch chiến tranh và quy định các hành động để đạt mục đích nói trên. Như vậy, có thể thấy trong chiến lược có nhiều yếu tố tác động, Claodơvít đưa ra 5 yếu tố sau:
Một là, đức tin và hiệu quả tinh thần trí tuệ;
Hai là, quy mô của các lực lượng quân sự;
Ba là, góc độ của chiến tuyến;
Bốn là, ảnh hưởng của địa hình, rừng núi, sông ngòi, đường xá...;
Năm là, các phương tiện tiếp tế.
Với những yếu tố trên, có thể thấy quan điểm của Claodơvít còn thiếu tính khái quát hơn so với “Binh pháp Tôn Tử”. Những yếu tố này là tương đối cụ thể và với sự phát triển của xã hội, của thời đại, những yếu tố trên dễ trở nên lỗi thời. Có lẽ đây cũng là mặt hạn chế trong tư tưởng quân sự của Claodơvít.
Tư tưởng quân sự của Claodơvít đi sâu vào các lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật quân sự, các vấn đề về chiến thuật trong chiến tranh, vấn đề tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang và đặc biệt ông còn đề cập đến mối quan hệ giữa chiến tranh với các hoạt động xã hội khác; đề cập tới vai trò của con người trong chiến trận. Ông nhấn mạnh vai trò của nhân tố tinh thần, sức mạnh tinh thần, đạo đức quân đội... đây là những nét tích cực trong tư tưởng quân sự của Claodơvít.
“Bàn về chiến tranh” ngay từ khi mới ra đời đã chiếm được một vị trí quan trọng lịch sử tư tưởng quân sự thế giới. Thống chế Môncơ, một học trò của Claodơvít đã dùng những tư tưởng quân sự của thầy học mình vào việc cải tạo quân đội Phổ. Sau này, chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít Đức đã coi Claodơvít như người đại diện cho chúng. Chúng lợi dụng tư tưởng quân sự của ông để mở ra những cuộc chiến tranh giành giật thị trường và thống trị thế giới. Tướng Sliapphen, kẻ chuẩn bị chiến lược cho bọn quân phiệt Đức gây ra cuộc đại chiến thê giới lần thứ nhất (1914 - 1918) đã tự nhận là học trò của Claodơvít. Ông ta tuyên bố: nhờ có Claodơvít nên quân đội Đức mới đào tạo được một lớp lính cừ khôi. Tư tưởng quân sự của Claodơvít không chỉ giữ địa vị quan trọng trong giới quân sự nước Đức quân phiệt và phát xít mà còn có ảnh hưởng khá sâu rộng trong thế giới tư bản nói chung. Từ khi tác phẩm “Bàn về chiến tranh” ra đời đến nay, nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản nhiều lần. Có thể nói, không một tác phẩm nào của các nhà lý luận quân sự tư sản lại không trích dẫn Claodơvít hoặc tranh luận với Claodơvít. Chẳng những thế, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945) một số nhà lý luận quân sự Tây Âu còn dựa vào lý thuyết của Claodơvít để dựng lên một thứ lý thuyết gọi là “chủ nghĩa Claodơvít mới”.
Những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đều đọc tác phẩm của Claodơvít và có những nhận xét về ông. Ph.Ăngghen trong bức thư gửi C.Mác ngày 07/01/1858 cho biết rằng ông đã đọc tác phẩm “Bàn về chiến tranh” của Claodơvít, Ăngghen nhận xét: “Đó là một phương pháp biện luận đáng chú ý, về bản chất là một công trình xuất sắc”. Và C. Mác trong thư trả lời Ăngghen ngày 11/01/1858 cũng nhận xét Claodơvít là: “Con người đôn hậu ấy có một thiên tư đạt đến mức tài năng”. Đặc biệt, Lênin có hẳn một tập bút ký nghiên cứu tác phẩm “Bàn về chiến tranh” của Claodơvít. Lênin đã ghi những nhận xét sâu sắc của mình ngay bên lề tập bút ký. Khi xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), Lênin đã nhiều lần trích dẫn những luận điểm có tính tích cực của Claodơvít về chiến tranh để phê phán và đập tan những luận điệu cơ hội xôvanh của bọn quốc tế II. Lênin đánh giá Claodơvít là “một trong những tác giả vĩ đại nhất về lịch sử chiến tranh”, “một trong những tác giả sâu sắc nhất về những vấn đề quân sự”.
Nhìn chung, nghiên cứu tư tưởng quân sự Claodơvít, đánh giá một cách khách quan tác phẩm “Bàn về chiến tranh” của ông, chúng ta thấy rõ những yếu tố tích cực của một tư duy quân sự sâu sắc cũng như những yếu tố tiêu cực, những mặt hạn chế trong tư tưởng quân sự của ông. Đó là một thực tế lịch sử, Claodơvít là đại biểu của thời đại thủ công nghiệp trong lịch sử chiến tranh mà ngày nay chiến tranh đã phát triển rất nhiều cả về quy mô, mức độ lẫn phương thức tiến hành, nên có những nội dung hạn chế, có những mặt lạc hậu là điều không thể tránh khỏi.
Chúng ta đã biết rằng Claodơvít viết cuốn “Bàn về chiến tranh” vào thời kỳ cách mạng tư sản mới bắt đầu và giai cấp tư sản châu Âu đang đóng vai trò lịch sử của nó. Bởi thế, tác phẩm của ông chứa đựng những yêu tố tích cực, tiến bộ nhất định. Trong khi tìm hiểu nền nghệ thuật quân sự tư sản mới xuất hiện và phê phán những quan điểm quân sự phong kiến đã lỗi thời, do có cách xem xét biện chứng, Claodơvít đã vươn tới được những vấn đề cơ bản, gốc rễ của chiến tranh, ông đã phát hiện ra một số quy luật về mối quan hệ chiến tranh và chính trị, giữa thực tế xã hội với nghệ thuật quân sự, giữa các hình thức chiến đấu với sự phát triển của đời sống kinh tế... Những phát hiện ấy chẳng những được thế giới phương Tây lấy làm nền tảng của hệ thống lý luận quân sự tư sản mà ngay các đại biểu của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng khen ngợi và đánh giá cao.
Mặt khác, lý thuyết quân sự của Claodơvít cũng chứa đựng không ít sai lầm, tiêu cực. Đó là do hạn chế lịch sử, địa vị xã hội và thế giới quan của ông quyết định, về căn bản, ông là người yêu nước, song với lập trường của giai cấp tư sản, nhìn chung ông vẫn còn luẩn quẩn, chưa thoát ra khỏi khu rừng rậm rạp của chủ nghĩa duy tâm. Tất cả những hạn chế đó, khiến cho nhà tư tưởng quân sự có tài ấy không tiến lên được tới điểm chót của các quy luật mà ông đã phát hiện. Đây chính là chỗ mà các nhà lý luận quân sự tư sản và các tướng lĩnh quân sự tư sản chú ý khai thác để phục vụ cho ý đồ của giai cấp mình.