Web Content Viewer
ActionsThêm một bước khẳng định cam kết tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam
(Bqp.vn) - “Hòa bình là khát vọng và mục tiêu cao cả chung của mọi quốc gia dân tộc và cả nhân loại. Tuy nhiên, hòa bình ở nhiều nơi trên Trái Đất của chúng ta vẫn còn rất mong manh, bị đe dọa và chưa thể có được do bất ổn, xung đột, chiến tranh, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và ổn định toàn cầu. Giữ gìn hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới và khu vực là nghĩa vụ, đồng thời là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam”.
Đó là phát biểu của Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc tại Lễ bế mạc huấn luyện thực hành trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC2) ngày 19/9 tại Sư đoàn 317, Quân khu 7 (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Chương trình huấn luyện gồm 4 giai đoạn: Lắp đặt trang bị; vận hành bệnh viện xử lý tình huống y tế; vận hành tổng hợp, xử lý tình huống y tế, chỉ huy, điều hành bệnh viện dã chiến; và thực hành tháo dỡ, vệ sinh, đóng gói bộ trang bị. Kết quả huấn luyện đã đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC2.1) nói riêng và lực lượng GGHB của Việt Nam nói chung. Hoạt động huấn luyện thực hành lần này thêm một lần nữa khẳng định cam kết tham gia lâu dài các hoạt động GGHB Liên hợp quốc của Việt Nam.
Thao trường đổ mồ hôi...
Khẩu hiệu được nhắc đến nhiều nhất trong huấn luyện ở bất cứ đơn vị quân đội nào là: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Thực tế huấn luyện thực hành trên bộ trang bị của BVDC2.1 đúng là như vậy. Trong các tình huống giả định bệnh viện phải xử lý có lẽ không có tình huống nào là không khó khăn và đòi hỏi người xử lý phải đổ mồ hôi để đưa ra quyết định một cách quyết đoán, hợp lý. Tuy nhiên, tình huống “tốn nhiều mồ hôi” nhất, theo đúng nghĩa đen, ở giai đoạn vận hành tổng hợp có lẽ là tình huống bệnh viện dã chiến vận hành trong điều kiện thiếu điện. Tất cả các bộ phận của bệnh viện vẫn duy trì hoạt động theo vị trí, chức trách của mình với tình huống giả định cả 3 máy phát điện đều hỏng. Ở Phái bộ GGHB Liên hợp quốc, máy phát điện hỏng nghĩa là lều bạt không có điều hòa, không có máy bơm nước, không có thiết bị chiếu sáng... Tình huống tổng hợp này không chỉ “thử thách” đội ngũ y, bác sĩ mà còn cả nhân viên hậu cần kỹ thuật và các bộ phận toàn bệnh viện.
Phòng mổ BVDC2.1 thực hành xử lý một một tình huống y tế.
Trong khi chờ khắc phục sự cố điện, các bộ phận chuyên môn như Khoa khám bệnh, bộ phận cấp cứu, cách ly… vẫn khám và tiếp nhận bệnh nhân. Các thiết bị y tế chuyển sang chế độ dùng pin. Tình huống mất điện trong khi đang mổ, vốn đã được thảo luận một vài ngày trước, giờ đã xảy ra. Mồ hôi ướt áo không chỉ người thực hành mổ mà còn cả bệnh nhân đóng thế. Tuy vậy, các bác sĩ của Khoa Ngoại vẫn khẩn trương chuẩn bị dụng cụ, tiến hành ca mổ như đã định và chuyên gia quốc tế vẫn trao đổi các bước xử lý tình huống trong khi mổ với kíp mổ. Trong khi đó, tại Sở Chỉ huy, Giám đốc BVDC2.1 thông báo lên Phái bộ GGHB Liên hợp quốc có thể duy trì hoạt động của bệnh viện đến 18 giờ cùng ngày. Sau khung giờ này, bệnh viện sẽ đóng cửa nếu chưa có điện và thông báo lại tình hình cho Phái bộ.
Đó chỉ là một trong rất nhiều tình huống hóc búa mà BVDC2.1 thực hành xử lý trong Chương trình huấn luyện thực hành trên bộ trang bị BVDC2. Qua các tình huống này, nhiều kinh nghiệm đã được rút ra, làm cơ sở cho việc chuẩn bị tốt hơn cho việc triển khai BVDC2.1 tới Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Xu-đăng (UNMISS). Đúng như khẩu hiệu huấn luyện “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, những ngày vừa qua, các cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên BVDC2.1 đã đổ nhiều mồ hôi, nhưng những giọt mồ hôi đó sẽ góp phần giúp giảm thiểu sai sót, sự cố khi bệnh viện được thực sự triển khai tới UNMISS.
Nhận xét về hoạt động huấn luyện thực hành trên bộ trang bị BVDC2, Phó Giám đốc chuyên môn BVDC2.1, Thiếu tá Nguyễn Thành Công cho hay: “Trong ngày huấn luyện đầu tiên, anh em còn bỡ ngỡ do có sự khác biệt giữa thực địa huấn luyện với công việc thực hiện hằng ngày và các thiết bị mới của bệnh viện dã chiến. Sang những ngày tiếp theo, anh em đã dần làm quen và làm chủ trang thiết bị của bệnh viện, phối hợp nhịp nhàng và tiến bộ từng ngày”. Thiếu tá Nguyễn Thành Công cũng nhận định với năng lực chuyên môn và cách tiếp cận nhanh chóng với phương pháp vận hành và sử dụng trang thiết bị của bệnh viện dã chiến, BVDC2.1 của Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu hoạt động của một BVDC2 tại Phái bộ GGHB Liên hợp quốc.
Từ Bentiu tới Hóc Môn
Một lực lượng đặc biệt tham gia huấn luyện lần này là các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia quân y Anh vốn là những y, bác sĩ và chỉ huy BVDC2 của Anh vừa kết thúc 6 tháng hoạt động tại Bentiu, địa bàn BVDC2.1 của Việt Nam sẽ triển khai tại Nam Xu-đăng. Dù vừa mới trở về từ Bentiu, các chuyên gia quân y Vương quốc Anh đã tích cực tới Việt Nam và tham gia huấn luyện cùng các y, bác sĩ, nhân viên BVDC2.1 của Việt Nam với vai trò chuyên gia, quan sát và chia sẻ kinh nghiệm.
Các chuyên gia quốc tế rút kinh nghiệm cùng các y, bác sĩ BVDC2.1 sau một tình huống.
Quãng đường địa lý từ Bentiu tới huyện Hóc Môn là rất dài và chắc không ít khó khăn. Thế nhưng sự nhiệt tình và mong mỏi được chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam cũng như lòng say mê học hỏi và không ngại gian khổ của BVDC2.1 cùng các cơ quan điều phối hoạt động huấn luyện đã khiến khoảng cách đó dường như ngắn lại. Các tình huống thực hành đã được các cán bộ chuyên môn Cục Quân y phối hợp các chuyên gia quốc tế thiết kế sát với điều kiện thực tế tại địa bàn Bentiu; tăng dần độ khó và mức độ phức tạp; chuyển dần từ hoạt động khám, chữa bệnh đơn lẻ của từng khoa tới vận hành tổng hợp tất cả các khoa, bộ phận của bệnh viện hoạt động đủ tải và đôi lúc quá tải trong điều kiện dã chiến như ở địa bàn UNMISS.
Song song hoạt động thực hành xử lý tình huống y tế và đảm bảo hậu cần kỹ thuật, các chuyên gia quốc tế và các sĩ quan của Trung tâm GGHB Việt Nam có kinh nghiệm hoạt động tại UMISS tổ chức những buổi trao đổi thông tin địa bàn với các cán bộ, nhân viên bảo đảm của bệnh viện. Những thông tin hết sức hữu ích như bố trí lực lượng GGHB Liên hợp quốc ở Bentiu, điều kiện đường sá, thời tiết, khả năng cung ứng hậu cần và đảm bảo kỹ thuật, trang thiết bị y tế và các tình huống có thể nảy sinh… được mô tả hết sức tỉ mỉ. Bức tranh chung về địa bàn triển khai tại Bentiu sau từng ngày huấn luyện đã dần hiện lên rõ nét, giúp cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên BVDC2.1 hình dung rõ ràng hơn về địa bàn, nhiệm vụ, khó khăn cũng như phương án giải quyết cho những tình huống nảy sinh.
Kết thúc huấn luyện thực hành, các y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện đã dần hình thành quy trình vận hành của một BVDC2. Theo Trung sĩ Orrell, chuyên gia quân y Lục quân Hoa Kỳ, khi vận hành theo các bước của một quy trình, chúng ta sẽ phát hiện ra những gì còn thiếu và chưa chính xác. Bổ sung những chỗ thiếu và chỉnh sửa những chỗ chưa chính xác sẽ giúp hoàn thiện quy trình và nâng cao năng lực cá nhân. Đại úy Gillian Wilson, chuyên gia huấn luyện Phòng Huấn luyện thẩm định y khoa, Lữ đoàn quân y số 2 Vương quốc Anh thì cho rằng: “Các y, bác sĩ Việt Nam học hỏi rất nhanh và đã bắt nhịp được với quy trình làm việc của một BVDC2. Bệnh viện dã chiến là một môi trường làm việc hoàn toàn xa lạ, khác biệt so với những gì các bạn làm việc hằng ngày. Các bạn đang hình thành nên một quy trình làm việc tại bệnh viện dã chiến. Khi đã có một quy trình rõ ràng, các bạn cần làm đúng quy trình nhưng cũng luôn phải linh hoạt”.
Đại tá Christopher Streets, chuyên gia tư vấn phẫu thuật, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đánh giá: “Các bạn vẫn còn thời gian. Vì vậy, các bạn cần tiếp tục thục luyện ở những nội dung cần củng cố. Các bạn đang có một đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên có năng lực. Bệnh viện dã chiến của các bạn là một tập thể tốt. Chúng tôi sẽ chia sẻ thêm thông tin với Trung tâm GGHB Việt Nam để xây dựng những nội dung cần thiết trước khi bệnh viện được triển khai tới UNMISS”.
Dù còn có những điểm cần rút kinh nghiệm, chương trình huấn luyện thực hành lần này đã góp phần củng cố quan hệ hợp tác trong lĩnh vực GGHB Liên hợp quốc giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh.
Đóng góp tích cực, khẳng định cam kết
Việt Nam chính thức tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc từ 27/5/2014. Từ đó, Việt Nam luôn chủ động, tích cực, chuẩn bị mọi mặt, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chuẩn bị lực lượng, huấn luyện đào tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GGHB. Cho tới nay, Việt Nam đã cử 19 lượt sĩ quan thực hiện nhiệm vụ tại hai Phái bộ GGHB Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung phi và đang tiếp tục chuẩn bị lực lượng luân phiên thay thế và tham gia các vị trí mới theo lời mời của Liên hợp quốc. Việt Nam cũng đang tích cực hoàn tất các công tác chuẩn bị để triển khai BVDC2 và Đội Công binh tới Phái bộ GGHB Liên hợp quốc theo lộ trình vào năm 2018 và những năm tiếp theo. Có thể thấy, Việt Nam đã và đang có những đóng góp hết sức tích cực vào hoạt động GGHB tại những nơi có xung đột trên thế giới, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc là chủ trương lớn của Việt Nam nhằm hiện thực hóa đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp thiết thực cho hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế.
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh cùng Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai-len Giles Lever, Tổng lãnh sự Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Mary Tarnowka và các đại biểu tham quan khu vực bếp ăn của BVDC2.1
Chương trình huấn luyện thực hành trên bộ trang bị của BVDC2 là một hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định cam kết tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc lâu dài của Việt Nam. Bệnh viện đã chiến cấp 2 số 1 sẽ là đơn vị đầu tiên của Việt Nam triển khai tới Phái bộ GGHB Liên hợp quốc. Theo Đại tá Hoàng Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm GGHB Việt Nam, “Việc chúng ta triển khai các vị trí cá nhân như sĩ quan tham mưu, sĩ quan liên lạc đã có một ý nghĩa rất to lớn về tầm ảnh hưởng tích của Việt Nam. Với việc chúng ta chuẩn bi cử một đơn vị đầu tiên là bệnh viện dã chiến cấp 2 đi như thế này, tầm ảnh hưởng sẽ lớn hơn”. Cộng đồng quốc tế sẽ nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia thân thiện, Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm GGHB cùng cộng đồng quốc tế, giúp các dân tộc còn đói nghèo khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa thiên tai...
Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam Giles Lever khẳng định, Bộ Quốc phòng Anh sẽ tiếp tục cung cấp thông tin và tư vấn cho Quân đội nhân dân Việt Nam về những thách thức mà bệnh viện dã chiến của Việt Nam sẽ gặp phải tại Nam Xu-đăng. Ông Giles Lever cũng cho biết sẽ tiếp tục mở các khóa tiếng Anh cho cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông tin tưởng rằng Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào các nỗ lực GGHB Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng. Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Mary Tarnowka cho rằng đợt huấn luyện lần này là một dấu mốc quan trọng trong việc chuẩn bị triển khai BVDC2.1 của Việt Nam tới Nam Xu-đăng trong năm 2018. Bà Mary Tarnowka tin tưởng rằng Việt Nam sẽ triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 của mình tới UNMISS. Những hỗ trợ và cam kết hỗ trợ của các bạn quốc tế là điều kiện tốt cho Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết và đóng góp tích cực hơn vào hoạt động GGHB Liên hợp quốc.
Về phía BVDC2.1, Thiếu tá Bùi Đức Thành, Giám đốc Bệnh viện khẳng định mặc dù còn nhiều khó khăn, bất cập, toàn thể cán bộ, bác sĩ, nhân viên BVDC2.1 cam kết sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, nỗ lực hết mình, sẵn sàng cho các hoạt động chung của Liên hợp quốc. Các y, bác sĩ và nhân viên BVDC2.1 khi triển khai tới UNMISS sẽ không chỉ là những người thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà còn sẽ trở thành những đại sứ hình ảnh, đại diện cho đất nước Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
Tuyên bố bế mạc huấn luyện thực hành trên bộ trang bị BVDC2, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh: “Chúng ta tin tưởng rằng với sự đồng hành của các bạn quốc tế, Việt Nam sẽ triển khai thành công đội hình đơn vị tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc và sẽ có nhiều đóng góp to lớn cho Ngôi nhà toàn cầu của chúng ta, vì một mục tiêu chung: “Hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Đại tướng Phan Văn Giang tiếp Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam
- Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng Việt Nam hội đàm với Cục Pháp chế Bộ các Lực lượng vũ trang cách mạng Cu-ba
- Làm tốt công tác chuẩn bị hội thảo 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào
- Trao Quyết định của Chủ tịch nước cho 03 sĩ quan đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
- Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Pháp