Web Content Viewer
ActionsTiếp tục làm sâu sắc thêm về lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam và truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc
(Bqp.vn) - Nhận lời mời của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Trung Quốc, từ ngày 27 - 31/10, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã đến thăm các di tích lịch sử gắn với cách mạng Việt Nam tại Khu Tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và các thành viên trong đoàn chào cột mốc chủ quyền tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam) trước chuyến thăm các địa danh gắn với cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc.
Tham gia đoàn có Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Lê Quang Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Cùng tham gia đoàn có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các quân chủng, binh chủng, đơn vị; các quân khu có đường biên giới tiếp giáp với Khu Tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc.
Thiếu tướng Trương Bảo Quần, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế Quân ủy Trung ương Trung Quốc đón Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam sang thăm các di tích lịch sử gắn với cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc.
Chuyến thăm lần này của Đoàn nhằm triển khai nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước; góp phần tăng cường quan hệ quốc phòng, đóng góp cho quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; làm sâu sắc thêm về lịch sử QĐND Việt Nam và truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và đoàn đã đến thăm các di tích lịch sử gắn với cách mạng Việt Nam; viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái; dự tọa đàm, giao lưu với các thầy cô giáo và sinh viên Đại học Sư phạm Quảng Tây; hội kiến với lãnh đạo Quân khu Quảng Tây, Chiến khu miền Nam (Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc)…
Tài sản vô giá của tình hữu nghị Việt - Trung
“Chúng tôi vô cùng xúc động trước việc các đồng chí đã sưu tầm, duy trì, bảo quản rất tốt các hình ảnh, hiện vật liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu tại Quảng Tây. Điều này thể hiện tình cảm đặc biệt của các đồng chí đối với Bác Hồ; đồng thời cũng thể hiện sự thủy chung, trước sau như một với Việt Nam chúng tôi. Đảng, Chính phủ, Quân đội và Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, khắc ghi sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Chính phủ, Quân đội và Nhân dân Trung Quốc trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước ngày nay. Những di tích gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc đã trở thành tài sản vô giá của tình hữu nghị Việt - Trung” - Đây là những lời phát biểu chân thành, đầy xúc động của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến sau khi được nghe thuyết minh viên giới thiệu về những hiện vật được trưng bày trong Nhà Triển lãm Hồ Chí Minh tại huyện Long Châu, thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc).
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam nghe thuyết minh về những hiện vật được trưng bày trong Nhà Triển lãm Hồ Chí Minh.
Trong khuôn viên diện tích 1.230 mét vuông, với hơn 600 bức ảnh cùng 60 hiện vật theo hai chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc” và “Long Châu với cách mạng Việt Nam” hiện đang được trưng bày tại Nhà Triển lãm Hồ Chí Minh đã tái hiện sinh động quãng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ cách mạng Việt Nam hoạt động sôi nổi tại Trung Quốc để chuẩn bị cho những thắng lợi sau này của cách mạng Việt Nam.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trao quà tặng Ban quản lý Nhà triển lãm Hồ Chí Minh.
Là địa phương tiếp giáp với hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn của Việt Nam, từ những năm 1930, sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Long Châu trở thành căn cứ địa quan trọng của Đảng ở hải ngoại. Đây là nơi những chiến sĩ cách mạng Việt Nam như Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… hoạt động cách mạng suốt một thời gian dài. Cách đây gần 10 năm, Chính phủ Trung Quốc cũng đầu tư, tu bổ, khôi phục di tích này đúng như thời kỳ Bác ở và làm việc vào những năm 40 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay, Nhà Triển lãm Hồ Chí Minh đã đón tiếp hàng nghìn lượt người tham quan, tạo hiệu quả xã hội tích cực; trở thành điểm giáo dục cách mạng truyền thống hiếm có, đặc biệt là cho thế hệ trẻ hai nước Trung - Việt.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm quan Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Đến thăm Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (thành phố Quảng Châu), thay mặt đoàn ghi lưu bút tại đây, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến viết: “Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vô cùng xúc động đến thăm địa danh gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1924 - 1927, nơi đã chứng kiến tình cảm quốc tế cộng sản vô tư, trong sáng và tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết, gắn bó giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc”.
Trong những năm tháng ở Quảng Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc, nhất là trong việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội), một tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến ghi lưu bút tại Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Tại căn nhà số 13 (nay là số 248 - 250, đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu), trong những năm từ 1924 - 1927, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã mở ba lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam với tổng số 75 người. Người trực tiếp phụ trách và là giảng viên chính. Những bài giảng tại các lớp huấn luyện này đã được tập hợp lại và xuất bản thành cuốn “Đường Kách mệnh”, trở thành một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1971, căn nhà số 13 đã được Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định giữ gìn làm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy tên là “Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” thuộc sự quản lý của Bảo tàng Lịch sử cách mạng Quảng Đông. Di tích đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Trung Quốc. Năm 2002, chính quyền thành phố Quảng Châu đầu tư tu sửa toàn diện di tích và khánh thành công trình vào ngày 30/4/2002, nhân dịp kỷ niệm 112 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 2024, nhân kỷ niệm 100 năm hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu, khu di tích này đã được phục hồi cơ bản. Các hiện vật trưng bày tái hiện lịch sử vẻ vang và phong cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế, truyền tải thông điệp sinh động về tình hữu nghị cách mạng giữa nhân dân hai nước, quan hệ gắn bó giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thăm các di tích trên địa bàn, được lắng nghe câu chuyện kể về hành trình gian nan của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc, các đại biểu trong đoàn cán bộ cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam đều xúc động khi được tận mắt nhìn thấy những hiện vật vô cùng giản dị mà Người và các đồng chí của mình đã từng sử dụng; đồng thời bày tỏ vui mừng trước sự trân trọng, quan tâm đầu tư của chính quyền Trung ương cũng như địa phương Trung Quốc; tình cảm của nhân dân Trung Quốc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam dâng hoa, dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái.
Cũng trong dịp này, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Công viên nghĩa trang Hoàng Hoa Cương (thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Các đại biểu đã cùng tưởng nhớ công lao của bậc tiền bối cách mạng, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh anh dũng của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nguyện cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển nhanh, bền vững.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trao đổi với các đại biểu trước phần mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cảm ơn sự chăm sóc chu đáo của chính quyền Quảng Đông và Chiến khu miền Nam đối với phần mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái; mong muốn các đồng chí cán bộ trong đoàn công tác noi gương các anh hùng, các bậc tiền bối cách mạng, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về lý tưởng cách mạng, tinh thần cống hiến vì Tổ quốc, ra sức học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và các đại biểu tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp liệt sĩ Phạm Hồng Thái.
Liệt sĩ Phạm Hồng Thái (sinh năm 1895, quê quán tỉnh Nghệ An), là một chiến sĩ yêu nước của Việt Nam đã hy sinh tại Quảng Châu vào ngày 19/6/1924. Khi đó, đồng chí Phạm Hồng Thái cùng tổ chức Tâm Tâm xã (tiền thân của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội), trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn, đã tổ chức ám sát Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin khi đang công tác tại Quảng Châu. Vụ ám sát bất thành, Toàn quyền Merlin chỉ bị thương. Bị địch truy nã gắt gao, đồng chí Phạm Hồng Thái đã gieo mình xuống dòng Châu Giang tự vẫn. Sự kiện này đã để lại tiếng vang rất lớn tại Trung Quốc cũng như trên thế giới, được biết đến với tên gọi “Tiếng bom Sa Diện”.
Giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước
Tới dự Tọa đàm với chủ đề: “Kế thừa hữu nghị, chung tay tiến lên” diễn ra vào ngày 29/10 tại Đại học Sư phạm Quảng Tây (Quế Lâm, Trung Quốc), Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định, sự gắn bó giữa hai nước trong suốt sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc đã viết nên “mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Hiện nay, hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều đứng trước những thời cơ và thách thức mới trong công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và phát triển đất nước. Hơn bao giờ hết, hai bên đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trao biểu trưng của Bộ Quốc phòng Việt Nam tặng Đại học Sư phạm Quảng Tây.
Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, một số trường học của Việt Nam đã được chuyển đến Quảng Tây để đảm bảo sự an toàn cho thầy và trò, được chính quyền, nhân dân Trung Quốc che chở, đùm bọc, giúp đỡ. Từ năm 1951 - 1975, lần lượt có hơn 14 nghìn lượt học sinh tốt nghiệp về nước, góp phần cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, trong đó có nhiều người sau này đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ, Quân đội Việt Nam.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm quan Nhà kỷ niệm Việt Nam trong Khuôn viên Đại học sư phạm Quảng Tây, nơi ghi dấu nhiều thế hệ học sinh Việt Nam từng học.
Trong những năm tháng gian khổ ấy đã xuất hiện nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm thầy và trò, sự sẵn lòng nhường cơm, sẻ áo cho con em Việt Nam của cán bộ, nhân dân Trung Quốc. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam vào giai đoạn quyết liệt nhất, Trường được sơ tán đến Quế Lâm rèn luyện và học tập, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đã quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ; chính quyền và nhân dân Quế Lâm hết lòng giúp đỡ. Đây là giai đoạn lịch sử đáng nhớ giữa Việt Nam và Trung Quốc, là tài sản vô cùng quý báu để nhân dân hai nước cùng nhau góp sức vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đơm hoa kết trái, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong ước, đúng với nội dung chủ đề tọa đàm “Kế thừa hữu nghị, chung tay tiến lên”. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến mong muốn Đại học Sư phạm Quảng Tây tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp nhiều hơn nữa cho mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam chụp ảnh chung với cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Sư phạm Quảng Tây.
Thầy Tôn Kiệt Viễn, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Quảng Tây cho biết, trường luôn coi trọng hợp tác quốc tế, thiết lập quan hệ với 350 trường đại học trên thế giới; xây dựng các học viện Khổng Tử ở nhiều quốc gia, tạo điều kiện giao lưu văn hóa, giáo dục giữa Trung Quốc với các quốc gia. Trong đó, năm 2018 đã thành lập Viện Nghiên cứu Việt Nam.
Tại tọa đàm, trao đổi với các sinh viên tham dự, Đại tá Trần Hữu Dũng, Phó Trưởng ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) đã trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam: “Trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình - Tinh thần hữu nghị quang vinh muôn đời”. Đại tá Trần Hữu Dũng khẳng định, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và đội ngũ sĩ quan trẻ QĐND Việt Nam nói riêng luôn ghi nhớ và cảm ơn sâu sắc sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Trung Quốc. Hiện nay, có rất nhiều thanh niên Việt Nam đã theo dấu chân của lớp người đi trước đến Trung Quốc để học tập và công tác, trong đó có du học sinh Việt Nam đang theo học tại Đại học Sư phạm Quảng Tây, nối tiếp tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam -Trung Quốc.
Lãnh đạo Bệnh viện Nam Khê Sơn giới thiệu các tư liệu lịch sử với Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Đến thăm Bệnh viện Nam Khê Sơn được thành lập năm 1968, nơi đã từng hỗ trợ điều trị cho nhiều thương binh Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước trước đây, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và đoàn đã được bác sĩ Liễu Hồng Lâm, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Nam Khê Sơn giới thiệu về những ngày tháng đầu tiên từ khi bệnh viện được xây dựng, cho tới quá trình điều trị thương, bệnh binh từ Việt Nam. Với mục đích chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, bắt đầu từ ngày 26/3/1969 đến năm 1975, thông qua đầu mối phía Việt Nam là Bệnh viện E, Bệnh viện Nam Khê Sơn đã thực hiện việc điều trị cho các thương, bệnh binh từ miền Nam Việt Nam và các cán bộ trung, cao cấp ở các địa phương của Việt Nam. Trong 7 năm, Bệnh viện Nam Khê Sơn đã chữa trị được 5.432 thương, bệnh binh Việt Nam, trong đó, tiến hành hơn 2 nghìn ca phẫu thuật và tiếp khoảng 780.000 ml máu cho các thương, bệnh binh. Ghi nhận những đóng góp của Bệnh viện Nam Khê Sơn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, năm 1974, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức bệnh viện.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến ghi lưu bút tại Bệnh viện Nam Khê Sơn.
Xúc động trước sự hy sinh, cống hiến của nhiều y, bác sĩ Trung Quốc không quản gian khổ để chăm sóc cho thương binh, cán bộ của Việt Nam, thậm chí đã nhiều lần hiến máu của chính mình để cứu các thương binh, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến chia sẻ: “Tình hữu nghị của chúng ta không gì có thể thay đổi. Trong dòng máu của nhiều thương binh đã hòa chung một dòng máu với y, bác sĩ, nhân dân Trung Quốc. Tôi cho rằng chỉ có mối tình hữu nghị vừa là đồng chí vừa là anh em mới có thể có sự chia sẻ, hỗ trợ chân tình to lớn đến như vậy”. Trong lưu bút ghi tại bệnh viện, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến viết: “Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam trân trọng ghi nhớ và mãi mãi biết ơn về tình đoàn kết, sự ủng hộ to lớn, hiệu quả mà Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc và đặc biệt là các bác sĩ, y tá, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Nam Khê Sơn đã dành cho Việt Nam. Chúc Bệnh viện Nam Khê Sơn ngày càng phát triển lớn mạnh, mãi là bông hoa tươi đẹp trong vườn hoa hữu nghị Việt - Trung. Chúc tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững!”.
Tăng cường hiểu biết, hợp tác thiết thực, hiệu quả
Tại cuộc hội kiến giữa Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến với lãnh đạo Chiến khu miền Nam, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc diễn ra chiều ngày 30/10. Trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, chân thành, hai bên chia sẻ, cùng nhất trí rằng Quân đội hai bên cần tiếp tục tăng cường hiểu biết, củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc thêm truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, hai Quân đội.
Quang cảnh hội kiến.
Phát biểu chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trung tướng Giả Kiến Thành, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Chiến khu miền Nam bày tỏ hoan nghênh chuyến thăm, cho rằng, sự tri ân các bậc lãnh đạo tiền bối cách mạng từng có quá trình hoạt động cách mạng tại Trung Quốc chính là sự khắc ghi tình hữu nghị Việt - Trung, tình cảm hữu nghị giữa các bậc tiền bối và nhân dân hai nước, đó là nền tảng vững chắc của tình hữu nghị.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến chụp ảnh chung với các đại biểu tham dự hội kiến.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị; bố trí chương trình tham quan, nghiên cứu phong phú, đầy ý nghĩa của phía Trung Quốc, để Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam được đến thăm nhiều địa danh, di tích lịch sử gắn với cách mạng Việt Nam. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng XHCN, núi liền núi, sông liền sông; Việt Nam trước sau như một, luôn coi phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, khắc ghi sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Trung Quốc trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng CNXH, phát triển đất nước ngày nay.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến bày tỏ vui mừng chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ giữa Chiến khu miền Nam với lực lượng Hải quân, Biên phòng Việt Nam thời gian qua, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, là động lực để Quân đội hai nước triển khai các nội dung hợp tác thiết thực, có hiệu quả. “Hiện nay hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều đứng trước những thời cơ và thách thức mới trong công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và phát triển đất nước. Hơn bao giờ hết, hai bên đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước. Tin tưởng rằng, với sự tin cậy chính trị, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, thúc đẩy làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Quân đội hai nước theo đúng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước theo hướng “quốc phòng - an ninh thực chất hơn” - Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nêu rõ.
Trước đó, ngày 28/10, trong cuộc hội kiến với Thiếu tướng Trang Cách, Tư lệnh Quân khu Quảng Tây, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, Việt Nam luôn nhất quán quan điểm coi Trung Quốc là ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, xứng đáng là một trụ cột trong quan hệ hai nước. Chuyến công tác lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng là dịp cùng với phía Trung Quốc đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng song phương thời gian qua; định hướng biện pháp thúc đẩy, tăng cường quan hệ giữa hai Quân đội thời gian tới, nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ, nhất quán nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Thiếu tướng Trang Cách tại cuộc hội kiến.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, sự gắn bó giữa hai nước trong suốt sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc đã viết nên “mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Trong thời kỳ đổi mới và cải cách mở cửa, với phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, hai bên sát cánh kiên trì con đường đi lên CNXH phù hợp với tình hình mỗi nước. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã khẳng định tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn”.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến chụp ảnh chung với các đại biểu tại cuộc hội kiến.
Thông tin tới các đồng chí lãnh đạo Quân khu Quảng Tây về kết quả tốt đẹp của chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, từ ngày 24 - 26/10/2024, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, trong chuyến thăm, lãnh đạo hai bên đã trao đổi, thống nhất nhiều nội dung thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương thời gian tới, trong đó có tăng cường hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đồng chí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng đánh giá cao chuyến thăm lần này của đoàn, coi đây là sự nối tiếp tình hữu nghị Việt - Trung mà các thế hệ hai nước xây dựng và vun đắp.
Cũng trong chuyến đi này, tới thăm Tổng trạm kiểm tra xuất nhập cảnh biên phòng Quảng Tây, Tổng trạm kiểm tra xuất nhập cảnh biên phòng Quảng Châu, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến bày tỏ vui mừng chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc với lực lượng Biên phòng của Việt Nam thời gian qua, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, là động lực để Quân đội hai bên triển khai các nội dung hợp tác thiết thực, có hiệu quả. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến mong muốn thời gian tới, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, duy trì thực hiện có hiệu quả công tác quản lý biên giới, cửa khẩu và các hoạt động có liên quan khác, góp phần xây dựng biên giới hai nước hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Gặp mặt báo chí giới thiệu Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai, năm 2024
- Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam tri ân các cựu chiến binh, chuyên gia Trung Quốc tham gia giúp cách mạng Việt Nam
- Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam
- Tập huấn sĩ quan liên lạc, phiên dịch phục vụ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
- Tàu CSB 8005 lên đường thăm và làm việc tại Ấn Độ