Web Content Viewer
ActionsPhát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị cấp cao APEC về “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực”
(Bqp.vn) - Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 22 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh (Trung Quốc), sáng 11/11/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự và có bài phát biểu tại phiên họp thứ nhất với nội dung “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực”. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại phiên họp:
Tôi chân thành cảm ơn nước chủ nhà Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đặc biệt là ngài Chủ tịch Tập Cận Bình về sự đón tiếp nồng hậu và chu đáo dành cho Đoàn Việt Nam.
Hội nghị của chúng ta năm nay diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa, đánh dấu chặng đường 25 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn APEC. Những đóng góp quan trọng của APEC vào việc thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc, dẫn dắt hình thành các thỏa thuận thương mại tự do then chốt, đã góp phần nâng cao vị thế châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.
Trong một thế giới phẳng hơn và trước thực trạng kinh tế thế giới phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như các thách thức toàn cầu gay gắt, việc đẩy mạnh liên kết khu vực càng trở nên cấp thiết.
Do đó, tôi hoan nghênh nhiều đề xuất của các đồng nghiệp và chia sẻ một số ý kiến sau:
Trước hết, Việt Nam đánh giá cao và nhất trí Hội nghị chúng ta thông qua các biện pháp đẩy mạnh triển khai Gói cam kết Ba-li, trong đó có Hiệp định về thuận lợi hóa thương mại, tăng cường thực hiện các Mục tiêu Bogor và các biện pháp thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư. Việt Nam ủng hộ và cho rằng việc thông qua “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC nhằm hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)” và “Kế hoạch chiến lược APEC thúc đẩy phát triển và hợp tác chuỗi giá trị toàn cầu” sẽ tạo xung lực mới cho liên kết khu vực.
Hai là, để bảo đảm liên kết khu vực hiệu quả, tôi đề nghị gắn kết chặt chẽ các nỗ lực liên kết với nội hàm phát triển bền vững, việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ và xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 cũng như các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Ba là, do tính đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên APEC, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế - kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới.
Bốn là, với tiềm năng to lớn về kinh tế, khoa học và công nghệ, các thành viên và các doanh nghiệp trong khu vực cần tham gia và hỗ trợ các chương trình liên kết tiểu vùng và khu vực của các thành viên, trong đó có ASEAN, ASEAN lục địa và tiểu vùng Mê Công.
Với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên mọi tầng nấc, Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ đóng góp vào mọi nỗ lực của APEC nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực. Việt Nam đang trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á và là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo và sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn, trong đó có 18 thành viên APEC.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Hội nghị Lãnh đạo Cộng đồng tình báo quân sự/quốc phòng ASEAN lần thứ nhất
- Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba
- Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến New York dự tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79
- Hội thảo về thực thi Công ước Vũ khí sinh học