Web Content Viewer
ActionsXây dựng Công đoàn Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
(Bqp.vn) - Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và trực tiếp là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, những năm qua, phong trào công nhân viên chức, lao động quốc phòng và hoạt động công đoàn trong Quân đội đã đạt được kết quả tích cực cả về bề rộng và chiều sâu, cả số lượng và chất lượng. Trước đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công đoàn trong Quân đội đang đặt ra những yêu cầu mới cần quan tâm giải quyết.
Là một bộ phận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Quân đội có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp về công tác vận động công nhân, hoạt động công đoàn trong Quân đội. Đồng thời, tham gia nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và giải quyết các chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động… Trong quá trình hoạt động, Công đoàn Quân đội thường xuyên được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp nên đã có sự phát triển đúng hướng, bám sát yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và mang lại hiệu quả thiết thực. Đội ngũ công nhân viên chức, lao động quốc phòng có những chuyển biến quan trọng, phù hợp về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng không ngừng được nâng lên, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước[1]. Dù ở đâu, làm việc trên lĩnh vực nào, đội ngũ công nhân viên chức, lao động quốc phòng luôn giữ vững và phát huy truyền thống, bản chất giai cấp công nhân Việt Nam, nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua khó khăn, thử thách, gương mẫu, tích cực trong lao động, sản xuất. Chỉ tính từ năm 2008 đến 2012, phong trào thi đua “Lao động giỏi - lao động sáng tạo” được phát động trong cán bộ, công nhân viên chức, lao động quốc phòng đã làm ra gần 27 ngàn công trình nghiên cứu, sản phẩm có giá trị và hơn 19 ngàn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm và làm lợi hơn 4 ngàn tỷ đồng, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Để đạt được kết quả đó, một trong những nguyên nhân cơ bản là cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng trong toàn quân đã quán triệt và thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Công đoàn Quân đội lần thứ VII và Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X đề ra. Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục được đổi mới cả về nội dung và hình thức; phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng do Công đoàn phát động gắn với phong trào Thi đua Quyết thắng của toàn quân được đẩy mạnh; hoạt động của Công đoàn Quân đội tiếp tục được khẳng định trên mọi lĩnh vực; quyền làm chủ của người lao động được phát huy, các mối quan hệ được giải quyết hài hòa; mọi chế độ, chính sách được bảo đảm tốt, thiết thực nâng cao nhận thức, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân, khơi dậy được ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình cách mạng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu làm kinh tế giỏi của Bộ Quốc phòng (tháng 8/2012).
Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu, yêu cầu đề ra, hoạt động của Công đoàn Quân đội vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Nổi lên là, công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng ở một số đơn vị chưa có chiều sâu; nội dung, hình thức tuyên truyền có mặt chưa thật phù hợp với từng loại hình công đoàn cơ sở. Phong trào công nhân và hoạt động công đoàn ở một số cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp còn lúng túng, mờ nhạt. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở chưa thật chủ động trong tham mưu, đề xuất và tổ chức các hoạt động; chưa phát huy hết vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn, nhất là chức năng tham gia quản lý, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn. Một số công nhân viên chức, lao động quốc phòng chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc tình hình nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, truyền thống, bản chất giai cấp công nhân; thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ công đoàn còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, v.v..
Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội đang đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn, đòi hỏi toàn quân phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trước tình hình đó, Công đoàn Quân đội phải phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức, tập hợp, đoàn kết đội ngũ đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng; đẩy mạnh các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị của Quân đội, của đơn vị, chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng và tổ chức Công đoàn Quân đội vững mạnh về mọi mặt, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, hoạt động của Công đoàn Quân đội trong những năm tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, phải không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, bồi dưỡng trình độ, tay nghề cho công nhân viên chức, lao động quốc phòng và đoàn viên công đoàn. Trên cơ sở mục tiêu, phương hướng hoạt động mà Đại hội Công đoàn Quân đội lần thứ VIII đề ra, các cấp phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nội dung, chương trình giáo dục chính trị theo quy định; tập trung quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” cho đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng. Đồng thời, phải thường xuyên coi trọng việc giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, lập trường giai cấp công nhân, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, nhiệm vụ của Quân đội, của đơn vị, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn; gắn giáo dục chính trị với giáo dục pháp luật, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đó là việc làm thường xuyên, hằng ngày của mỗi người lao động. Hình thức tuyên truyền, giáo dục phải thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa cho phù hợp với từng đối tượng, từng loại hình đơn vị, doanh nghiệp; coi trọng hình thức tuyên truyền miệng để đáp ứng điều kiện làm việc của đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng; khai thác, sử dụng có hiệu quả Tủ sách Pháp luật, tạo điều kiện để đoàn viên công đoàn nghiên cứu, nắm vững kiến thức pháp luật trong lao động, sản xuất và công tác. Cùng với giáo dục chính trị, các công đoàn cơ sở phải tích cực bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ và tác phong công nghiệp cho người lao động; thường xuyên tổ chức các cuộc thi thợ giỏi, sản phẩm, đề tài sáng tạo, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tạo không khí sôi nổi trong các cơ quan, đơn vị. Thông qua đó, xây dựng đội ngũ công nhân viên chức, lao động quốc phòng và đoàn viên công đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần cảnh giác cách mạng cao, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, ý thức tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, hăng hái học tập vươn lên làm chủ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới. Mặt khác, phải tích cực đấu tranh với những biểu hiện sai trái, nói không đi đôi với làm, thiếu trách nhiệm trong công việc, chất lượng, hiệu quả công tác thấp ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức công đoàn.
Thứ hai, đẩy mạnh các phong trào thi đua, tạo động lực thúc đẩy đội ngũ đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực chuẩn bị kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (6/1948 - 6/2013). Đây là dịp để Công đoàn Quân đội tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng, nhằm cổ vũ, động viên đội ngũ công nhân viên chức, lao động quốc phòng hăng hái thi đua lập nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, công tác, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, phát huy được vị trí, vai trò, chức năng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Quân đội. Để phong trào thi đua mang lại hiệu quả cao, các công đoàn cơ sở phải thực hiện có nền nếp việc đăng ký và tổ chức phát động thi đua với những nội dung cụ thể, bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đi sâu vào khắc phục khâu yếu, mặt yếu trong sản xuất, công tác, nâng cao chất lượng các công trình, làm ra những sản phẩm có ý nghĩa kinh tế - xã hội thiết thực; gắn các phong trào thi đua do tổ chức công đoàn phát động với phong trào Thi đua Quyết thắng của toàn quân và các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội, tạo sức mạnh tổng hợp làm chuyển biến toàn diện, vững chắc mọi mặt hoạt động của đơn vị. Trong tổ chức phong trào, các tổ chức công đoàn phải tích cực học tập kinh nghiệm, tổng kết những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được thực tiễn kiểm nghiệm để đổi mới, vận dụng phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ”, “5 nhất, 3 không”[2], “An toàn lao động, an toàn giao thông, không vi phạm kỷ luật”, “Phát triển kinh tế gia đình”… cần phải được tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, phải hết sức coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, các công trình, sản phẩm tiêu biểu, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ nhằm lôi cuốn mọi người học tập và làm theo, phát huy tốt hiệu quả các phong trào thi đua trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, xây dựng công đoàn cơ sở thực sự vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trước hết, Ban Công đoàn Quốc phòng phải chỉ đạo các cấp tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 6a/NQ-TLĐ, ngày 06/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa X) về “Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở”; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 752/CT-CT của Tổng cục Chính trị về “Tăng cường xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Quân đội và phát triển công nghiệp quốc phòng thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Mặt khác, nghiên cứu, đề xuất với Tổng cục Chính trị sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện Quy chế Công tác công đoàn trong Quân đội đáp ứng với các loại hình tổ chức cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phù hợp với các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Điều lệ Công đoàn và hướng dẫn chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để thực hiện thống nhất trong toàn quân. Hằng năm, các công đoàn cơ sở phải xây dựng kế hoạch, xác định rõ nội dung, biện pháp, chỉ tiêu tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện và đăng ký với cơ quan chính trị cấp trên làm cơ sở để kiểm tra, đánh giá kết quả; tập trung kiện toàn, củng cố tổ chức từ cấp tổ đến công đoàn cơ sở, nhất là trong các doanh nghiệp Quân đội. Các cấp phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn theo Nghị quyết 4a/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; xây dựng cơ quan công tác công đoàn, cán bộ công đoàn các cấp vững mạnh, đủ sức làm tham mưu, đề xuất giúp cơ quan chính trị, cán bộ chủ trì các cấp chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả đối với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong Quân đội. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý, thu - chi ngân sách công đoàn theo đúng quy định, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí cho hoạt động của công đoàn; tăng cường củng cố hoạt động của Ủy ban Kiểm tra công đoàn, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện sai trái, giữ vững nền nếp, nguyên tắc hoạt động.
Thứ tư, thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, chú trọng công tác tham gia quản lý, đẩy mạnh các hoạt động xã hội của công đoàn. Các công đoàn cơ sở phải thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; cùng với chính quyền tổ chức tốt Đại hội công nhân viên chức ở các doanh nghiệp, Hội nghị cán bộ, công nhân viên chức ở cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và Hội nghị người lao động trong các công ty cổ phần để phát huy dân chủ trong thực hiện quyền và trách nhiệm tham gia quản lý của người lao động. Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp phải được tiến hành đầy đủ các bước đúng với các văn bản quy định, Luật Doanh nghiệp và Luật Công đoàn Việt Nam nhằm bảo đảm được quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng. Công đoàn Quân đội phải tăng cường các hoạt động xã hội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động từ thiện; bổ sung quỹ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình; đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Một tỷ đồng vì công nhân viên chức, lao động quốc phòng nghèo” để làm nhà “Mái ấm công đoàn - nghĩa tình đồng đội” giúp đỡ công nhân viên chức, lao động quốc phòng có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, giám đốc doanh nghiệp và cơ quan chính trị các cấp đối với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong Quân đội. Qua thực tiễn hoạt động của Công đoàn Quân đội cho thấy, những kết quả và hạn chế, khuyết điểm trong công tác công đoàn đều liên quan đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì và cơ quan chính trị các cấp. Vì thế, để bảo đảm cho tổ chức công đoàn hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ và mang lại hiệu quả cao phải không ngừng đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp; đưa nội dung lãnh đạo công tác công đoàn vào nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của người chỉ huy và cơ quan chức năng; phân công cấp ủy viên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo hoạt động công đoàn. Giám đốc các doanh nghiệp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tích cực nghiên cứu, nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật, có kiến thức về hoạt động công đoàn để chỉ đạo hoạt động của tổ chức công đoàn một cách thiết thực, cụ thể; thường xuyên bám nắm cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh phí cho công đoàn hoạt động. Đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp phải tích cực, chủ động, đổi mới phương pháp, tác phong công tác, làm tốt chức năng tham mưu, lực lượng nòng cốt cho cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Công đoàn Quân đội.
Phát huy truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam, truyền thống Anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam và truyền thống vẻ vang của Công đoàn Quân đội, cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng toàn quân tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng, chương trình hành động của Đại hội Công đoàn Quân đội lần thứ VIII đề ra, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
[1] - Đến nay, toàn quân có 879 công đoàn cơ sở (tăng 13,27% so với năm 2008); số lượng công nhân viên chức, lao động quốc phòng tăng 54,2% so với năm 2008; 82% trong số đó đã qua đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề, nhất là ở một số ngành nghề ứng dụng khoa học - công nghệ mới, đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, như: công nghệ điện tử - viễn thông, sửa chữa máy bay, ra-đa, tên lửa, sản xuất vũ khí, đạn, làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, v.v.
[2] - 5 nhất: Một là, lao động, công tác đạt năng suất cao nhất; hai là, công trình, sản phẩm đạt chất lượng, hiệu quả tốt nhất; ba là, tiết kiệm triệt để nhất; bốn là, chấp hành kỷ luật, bảo đảm an toàn vệ sinh tốt nhất; năm là, môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh nhất. 3 không: Một là, không còn hộ đói nghèo, nhà dột nát; hai là, không có tệ nạn xã hội thâm nhập; ba là, không sinh con thứ 3 và để con thất học.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào - Biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết Việt Nam - Lào
- Tuyển sinh bổ sung năm 2024 vào 3 trường Sĩ quan: Thông tin, Tăng thiết giáp, Phòng hóa
- Tạo sức lan tỏa rộng rãi về sự gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào
- Tuyển sinh bổ sung vào các trường Quân đội năm 2024
- Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa