Web Content Viewer
ActionsPhát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hải quân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc
(Bqp.vn) - Quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biển, đảo của Tổ quốc là vấn đề cấp thiết hiện nay. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; trong đó, lực lượng Hải quân nhân dân làm nòng cốt.
Huấn luyện bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Việt Nam có diện tích biển lớn hơn 3 lần diện tích đất liền. Biển Việt Nam có nhiều đảo lớn nhỏ; trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa án ngữ từ phía Đông và Đông - Đông Nam của Tổ quốc. Vùng biển Việt Nam giàu tài nguyên, khoáng sản, có đường hàng hải quốc tế chạy qua và là giao thương của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới… Với vị trí địa chiến lược đó, vùng biển nước ta có tầm quan trọng đặc biệt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định “xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân” [1], nhằm: “đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, từ biển, vững chắc chủ quyền biển, đảo”[2]. Điều đó đặt ra yêu cầu phát huy vai trò nòng cốt của Hải quân nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trước hết, các cấp cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo cho nhân dân. Hiện nay, trên Biển Đông, tình hình an ninh, trật tự, tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn ra hết sức phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định khó lường. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về vấn đề này còn hạn chế, dẫn đến những hành động chưa đúng, thậm chí vi phạm pháp luật, tạo sơ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, gây ảnh hưởng bất lợi đến mối quan hệ giữa nước ta với các nước có liên quan. Trước tình hình đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho toàn dân, nhất là cho nhân dân các địa phương ven biển, các lực lượng hoạt động trên biển. Các cấp cần tuyên truyền cho nhân dân thấu suốt quan điểm của Đảng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”. Trong quá trình thực hiện, phải vận dụng nhiều biện pháp, hình thức phong phú, đa dạng: trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề, mạn đàm trao đổi, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội…, nhằm nâng cao nhận thức cho toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác tuyên truyền không chỉ dừng lại ở chỗ phổ biến kiến thức, pháp luật về biển, mà còn phải làm cho mọi người nhận thức đúng nhiệm vụ, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nhất là đối với các lực lượng, như: Bộ đội Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và Dân quân tự vệ biển… Các lực lượng này phải thường xuyên nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn xâm phạm, lấn chiếm chủ quyền biển, đảo của các loại đối tượng; từ đó, xây dựng ý chí, quyết tâm, phương án, kế hoạch để xử trí kịp thời, hiệu quả các trường hợp vi phạm, làm thất bại các hành động xâm lấn biển, đảo trong mọi tình huống. Cùng với đó, phải chủ động phối hợp, kịp thời phát hiện, giải quyết các tranh chấp, giữ gìn an ninh, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển, đảo; tích cực tham gia phát triển kinh tế biển ở các lĩnh vực có thế mạnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các diễn đàn quốc tế, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam về chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và khai thác các nguồn lực, phục vụ cho phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên biển, đảo. Qua đó, kiên quyết đấu tranh với những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hai là, xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong điều kiện khoa học, công nghệ phát triển cao, mọi hoạt động trên biển diễn ra mau lẹ, việc quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; trong đó, tập trung xây dựng Hải quân nhân dân hiện đại, đủ sức làm nòng cốt trong các hoạt động QP-AN trên biển. Theo đó, Quân chủng cần tập trung xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao; chú trọng kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, có sức cơ động cao, sẵn sàng xử trí thắng lợi các tình huống trên biển; ngăn chặn kịp thời những hoạt động vi phạm pháp luật, xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Quân chủng cần tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước đầu tư nghiên cứu, cải tiến, mua sắm vũ khí, trang bị thế hệ mới, có tính năng vượt trội, như: tàu ngầm, không quân tác chiến trên biển, tàu hộ vệ đa năng, tàu tên lửa, tên lửa bờ tầm gần, tầm xa cho lực lượng hải quân; trong đó, chú trọng trang bị các loại tàu tên lửa loại nhỏ, tàu tuần tiễu đa năng, thủy lôi cho lực lượng tác chiến biển gần. Quân chủng cần nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến hải quân; điều chỉnh bố trí lực lượng hải quân phù hợp với yêu cầu của chiến lược biển, nhiệm vụ, điều kiện địa hình, khí hậu, thủy văn ở từng vùng, khu vực biển, hình thành thế trận quốc phòng toàn dân trên biển (nòng cốt là Hải quân nhân dân Việt Nam) trong thời bình và sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân đánh bại kẻ địch xâm lược nước ta từ hướng biển. Để đáp ứng yêu cầu đó, các lực lượng của Bộ đội Hải quân cần tích cực huấn luyện nâng cao trình độ khai thác và sử dụng các trang bị, thiết bị mới hiện đại; trình độ tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng. Đồng thời, dự kiến nhiều phương án tình huống, chủ động đấu tranh bằng nhiều hình thức để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Các đơn vị cần đẩy mạnh công tác huấn luyện, diễn tập, không ngừng nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, khả năng cơ động, khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng hoạt động trên biển, trong thế trận khu vực phòng thủ địa phương, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển; chuẩn bị tốt các phương án tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Ba là, tích cực chuẩn bị mọi mặt, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với xây dựng các trung tâm kinh tế - xã hội trên biển, đảo. Vùng biển nước ta rộng, môi trường biển phức tạp, nên trong quá trình chuẩn bị thế trận QP-AN trên biển phải gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) đã xác định. Theo đó, các địa phương ven biển, đặc biệt là các đảo, quần đảo, huyện đảo phải coi trọng xây dựng thành các pháo đài phòng thủ kiên cố, vững chắc và xây dựng các khu vực kinh tế trên biển (nhà máy chế biến hải sản, đồ thủ công mỹ nghệ, xây dựng các kho chứa xăng, dầu, bể nước, âu tầu, khu tránh bão...) nhằm thu hút nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ cao hoạt động trên biển, đảo. Từ đó, có thể bổ sung nhân lực được đào tạo, huấn luyện phù hợp với yêu cầu tác chiến, cung cấp và bảo đảm vật chất, hậu cần, vũ khí, trang bị cho các lực lượng. Công tác chuẩn bị phải tạo ra những điều kiện thuận lợi, vừa bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển trong mọi hoàn cảnh, thời tiết, ban ngày cũng như ban đêm, vừa tạo thế trận có lợi cho tác chiến của các lực lượng khi chiến tranh xảy ra. Muốn vậy, các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và các lực lượng, nhất là địa phương ven biển, đảo và huyện đảo phải đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng, phòng thủ chiến đấu: căn cứ, hải cảng, sân bay; đặc biệt là hệ thống bảo đảm thông tin - liên lạc, thông báo hàng hải, cứu hộ, cứu nạn trên biển; hệ thống trinh sát, thông tin quan sát, dẫn đường trên không, trên biển, dưới ngầm; hệ thống công sự, trận địa chiến đấu ở ven biển, dưới ngầm và trên các đảo ngay từ thời bình, tạo thành thế trận liên hoàn biển - đảo – bờ. Hệ thống này luôn đảm bảo đủ cơ số cũng như yêu cầu kỹ thuật theo quy định sẵn sàng chiến đấu và kế hoạch, phương án tác chiến. Hiện nay, các khu kinh tế – quốc phòng trên các vùng biển đã và đang được triển khai có ý nghĩa thiết thực về nhiều mặt, trực tiếp bổ sung lực lượng tại chỗ, tạo thế bố trí mới về lực lượng tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển.
Bốn là, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng hoạt động và quản lý biển, đảo có hiệu quả. Trên vùng biển nước ta hiện nay có rất nhiều lực lượng thường xuyên hoạt động, như: Hải quân, Phòng không - Không quân, Lục quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Dân quân tự vệ biển, Kiểm ngư, vận tải biển, khai thác thủy sản, khoáng sản (dầu khí) và nhân dân sinh sống, làm ăn trên biển. Mỗi lực lượng có chức năng, nhiệm vụ, hoạt động theo phương thức riêng, trong các điều kiện và thời gian khác nhau, trực thuộc quyền quản lý của nhiều bộ, ngành. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương ven biển, các lực lượng quản lý biển, cơ quan chức năng Nhà nước thường xuyên có hoạt động trao đổi, hợp tác với chính quyền và lực lượng quản lý biển của các nước có chung vùng biển để cùng phối hợp giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên biển theo nguyên tắc thỏa thuận giữa nước ta với các nước có liên quan. Vì thế, phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về biển để làm cơ sở phối hợp, thống nhất hoạt động và quản lý chặt chẽ các hoạt động trên biển. Chỉ có như vậy mới tạo cơ sở cho việc phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
[1] - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 85.
[2] - Sđd, tr. 76.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào - Biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết Việt Nam - Lào
- Tuyển sinh bổ sung năm 2024 vào 3 trường Sĩ quan: Thông tin, Tăng thiết giáp, Phòng hóa
- Tạo sức lan tỏa rộng rãi về sự gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào
- Tuyển sinh bổ sung vào các trường Quân đội năm 2024
- Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa