Web Content Viewer
ActionsNâng cao chất lượng tuyển sinh vào đào tạo tại các học viện, trường quân đội
(Bqp.vn) - Trên thế giới, phát triển giáo dục, đào tạo luôn là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia. Đối với Việt Nam, Đảng ta xác định: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”1. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung đầu tư mọi mặt để phát triển lĩnh vực này, nhằm thực hiện mục tiêu “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam... phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”2.
Trong quân đội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ IX đã nhấn mạnh: “Tập trung chấn chỉnh các nhà trường quân đội. Đổi mới toàn diện về nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp dạy học và công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nghệ thuật quân sự và khoa học, công nghệ”3.
Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác giáo dục, đào tạo như: Nghị quyết 93/ĐUQSTW về tiếp tục đổi mới công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và xây dựng trường chính quy; Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW, ngày 29/3/2007 về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới. Trong đó, đã chỉ rõ: “Phát triển giáo dục - đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu của cấp ủy và chỉ huy các cấp, các ngành trong quân đội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực về con người, ngân sách và có chính sách ưu tiên để giáo dục - đào tạo phát triển một bước”4.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, giáo dục và đào tạo có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, là yếu tố góp phần quyết định cho việc phát triển xã hội nói chung và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại nói riêng.
Để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội, cần giải quyết nhiều nội dung, biện pháp. Trong đó, vấn đề cơ bản đầu tiên là nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào tại các học viện, trường quân đội.
Những năm vừa qua, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, các học viện, trường, đơn vị, địa phương quan tâm nhiều đến công tác tuyển sinh quân sự. Nhờ đó, công tác tuyển sinh quân sự đã đi đúng hướng và có nề nếp. Tất cả các khâu trong công tác tuyển sinh đã thực hiện đúng quy chế của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng; đảm bảo tuyển đủ số lượng, theo địa chỉ sử dụng, chất lượng được nâng cao; đảm bảo công bằng, khách quan, đánh giá đúng trình độ của thí sinh trúng tuyển, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh quân sự còn một số thiếu sót:
Bộ Quốc phòng đã giao trách nhiệm cho các quân khu về bảo đảm chất lượng sơ tuyển, nhưng một số địa phương chưa tích cực khâu tuyên truyền, hướng nghiệp trong thanh niên để tạo nguồn tuyển sinh. Có địa phương, đơn vị sơ tuyển lập hồ sơ đăng ký dự thi, xác minh chính trị chưa đúng hướng dẫn; việc tổ chức khám tuyển sức khỏe còn nhiều thiếu sót nên vẫn còn hiện tượng thí sinh khi trúng tuyển, đến trường nhập học không đủ tiêu chuẩn phải loại ra, gây ức chế cho thí sinh và gia đình;
Số lượng học viên trúng tuyển vào đào tạo tại các học viện, trường quân đội đã được nâng cao về chất lượng nhưng chưa đồng đều. Khối trường quân chủng, binh chủng vẫn khó khăn trong tuyển chọn nguồn thí sinh là người phía Nam vào học. Đối tượng tuyển sinh ngành quân sự cơ sở còn khó khăn về số lượng, chất lượng nguồn dự thi, kết quả thi thấp, chưa đạt chỉ tiêu;
Trong tổ chức coi thi, cá biệt có nơi còn vi phạm quy chế.
Nguyên nhân của những thiếu sót trên có nhiều, cả về chủ quan lẫn khách quan nhưng chủ yếu là do cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm trong việc lựa chọn, bồi dưỡng nguồn đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội; việc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện công tác tuyển sinh quân sự hiệu quả chưa cao. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy các cấp chưa được thường xuyên, liên tục.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng nguồn tuyển sinh vào đào tạo tại các học viện, trường quân đội, cần quán triệt, thực hiện tốt một số chủ trương, biện pháp sau:
- Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và quân đội về công tác tuyển sinh.
Các cơ quan chức năng, các học viện, trường cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về giáo dục, đào tạo nói chung và công tác tuyển sinh nói riêng. Thực hiện tốt định hướng mà Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ IX đã đề ra: “Cải tiến phương pháp tuyển sinh quân sự, quan tâm và có chính sách đối với các đối tượng cử tuyển, các lực lượng đặc thù, vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người trên các địa bàn trọng điểm”5 và sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương: “Tổ chức thi tuyển vào đào tạo theo đúng quy chế của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng”. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”, quyết tâm không để các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong công tác tuyển sinh quân sự.
- Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền hướng nghiệp, tạo nguồn và bồi dưỡng nguồn tuyển sinh vào các học viện, trường quân đội.
Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, học viện, trường, đơn vị và địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ cần “tổ chức chặt chẽ việc tạo nguồn, bồi dưỡng văn hóa, ngoại ngữ cho nguồn đào tạo cán bộ các cấp”6. Trước hết, Ban Tuyển sinh quân sự các tỉnh, quận, huyện phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức quần chúng và đoàn thể xã hội để làm tốt công tác tuyên truyền hướng nghiệp quân sự cho thanh niên, nhất là đối với khu vực phía Nam, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo. Các học viện, trường phải có kế hoạch tổ chức, tuyên truyền về trường mình, các ngành nghề đào tạo, chính sách, các chế độ đãi ngộ của Nhà nước, quân đội trong tuyển sinh, đào tạo và sử dụng cán bộ khi tốt nghiệp ra trường. Hàng năm, làm băng, đĩa hình (dạng tư liệu) và tài liệu tuyên truyền để gửi cho Ban Tuyển sinh quân sự các tỉnh; chủ động tuyên truyền trên trang điện tử (website) của trường; liên hệ đưa lên trang điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố để tuyên truyền, thu hút nguồn thí sinh đăng ký dự thi. Đặc biệt, cần thu hút được số thí sinh giỏi dự thi hoặc tuyển thẳng những thanh niên đạt giải học sinh giỏi quốc gia vào học tại các học viện, trường quân đội. Tích cực đổi mới nội dung, chương trình nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của quân đội và xã hội.
Các cơ quan, đơn vị cần tổ chức tốt việc ôn luyện văn hóa cho nguồn thí sinh là quân nhân tại ngũ để nâng cao chất lượng cũng như số lượng vào học.
- Ba là, tổ chức tốt công tác sơ tuyển và đăng ký dự thi.
Các quân khu, đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường hơn nữa trách nhiệm trước Bộ Quốc phòng về việc lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyển sinh quân sự các cấp trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Quốc phòng về tuyên truyền hướng nghiệp và chất lượng sơ tuyển. Tuyệt đối không để xảy các sai sót dẫn đến sự thắc mắc, khiếu kiện của nhân dân. Người đứng đầu cơ quan quân sự huyện, thị xã và cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh nếu làm thủ tục đăng ký dự thi cho thí sinh không đủ tiêu chuẩn, triển khai sơ tuyển muộn hoặc kết thúc sớm hơn thời gian quy định, không bảo đảm đủ hồ sơ cho thí sinh, gây khó khăn, phiền hà cho thí sinh đến đăng ký dự thi thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Duy trì nghiêm đối tượng, tiêu chuẩn tuyển sinh đã quy định về chính trị, sức khỏe, phẩm chất đạo đức, độ tuổi. Khi có thay đổi, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phải thông báo cho tất cả các đơn vị, địa phương và thông tin rộng rãi cho thí sinh được biết.
Tiếp tục giao cho Ban Tuyển sinh quân sự quân khu và các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Bộ trong chỉ đạo Ban tuyển sinh quân sự quận, huyện, thị xã thẩm tra xác minh lý lịch thí sinh đăng ký dự thi là thanh niên ngoài quân đội; các đơn vị quân đội thẩm tra xác minh lý lịch đối với quân nhân tại ngũ tham gia dự thi. Việc xác minh chính trị phải bảo đảm chất lượng, cấp ủy cơ sở phải kết luận cụ thể, đủ tiêu chuẩn theo quy định mới cho đăng ký dự thi.
- Bốn là, tổ chức nghiêm túc công tác coi thi, chấm thi.
Các học viện, trường tổ chức công tác coi thi, chấm thi theo đúng quy định của Nhà nước và các quy định của Bộ Quốc phòng đề ra trong Thông tư hướng dẫn công tác tuyển sinh quân sự hàng năm. Yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các học viện, trường thật thận trọng trong việc bố trí cán bộ, giảng viên, giáo viên và các lực lượng tham gia phục vụ kỳ thi, đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc. Tuyệt đối không được dùng học viên là hạ sỹ quan làm cán bộ coi thi. Mỗi phòng thi tối thiểu phải có một cán bộ coi thi là giảng viên, giáo viên.
Các học viện, trường cần nắm vững những nội dung đã được hướng dẫn để vận dụng trong quản lý, điều hành kỳ thi tuyển sinh quân sự, không để xảy ra các sai sót, nhất là trong khâu vào số liệu và bảo mật kết quả thi.
- Năm là, làm tốt khâu xác định điểm chuẩn, báo gọi thí sinh trúng tuyển nhập học.
Sau khi chấm thi xong, khẩn trương xác định điểm chuẩn; kịp thời thông báo kết quả và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học với thời gian sớm nhất theo đúng quy chế của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng.
Để đảm bảo yêu cầu tuyển chọn theo địa chỉ sử dụng, đào tạo gắn với quy hoạch đội ngũ cán bộ nên điểm chuẩn phải xác định theo vùng, miền. Tiếp tục thực hiện theo phương án thi theo hình thức “3 chung” của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh dự thi. Đối với các trường có số lượng thí sinh dự thi không nhiều, kết quả thi thấp, thực hiện tuyển nguyện vọng khác (nguyện vọng 2, 3) vào đào tạo, nhằm tuyển được những thí sinh có điểm thi cao ở một số trường nhưng không trúng nguyện vọng 1. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở tất cả các cấp, bảo đảm việc báo trúng tuyển, nhập học đúng quy chế.
- Sáu là, thực hiện việc xét tuyển nghiêm túc, đúng quy chế, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng.
Đối với các đối tượng xét tuyển, các học viện, trường cần chấp hành nghiêm quy định của Bộ Quốc phòng, tuyển đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đúng đối tượng theo chỉ tiêu của Bộ giao. Cụ thể:
Xét tuyển vào đào tạo cao đẳng quân sự từ nguồn thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1. Các đơn vị, địa phương phía Nam cần tích cực tuyên truyền, thông báo rộng rãi để thí sinh đăng ký nguyện vọng vào xét tuyển.
Xét tuyển đào tạo trung cấp chuyên nghiệp theo kết quả học tập trung học phổ thông. Yêu cầu các đơn vị phải thực hiện sơ tuyển chặt chẽ, đủ thủ tục hồ sơ; các trường chú ý xác định tiêu chí và quy trình xét tuyển đúng quy định.
- Bảy là, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng và Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh quân sự.
Các cơ quan chức năng và Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, nắm chắc và tham mưu đề xuất có hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh quân sự, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh. Xây dựng, đề xuất phương án, sử dụng kinh phí và xăng dầu hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương, học viện, trường làm công tác tuyển sinh quân sự, nghiên cứu và đề xuất chính sách thu hút nguồn học sinh giỏi, xuất sắc của các trường trung học phổ thông vào đào tạo tại các học viện, trường quân đội.
Từ kinh nghiệm của công tác tuyển sinh trong những năm qua, Thủ trưởng Bộ, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, học viện, trường tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nội dung trên đây, nhằm nâng cao chất lượng nguồn vào đào tạo tại các học viện, trường quân đội trong thời gian tới.
1. Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, tr.77.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr.77.
3. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quân đội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015), tr.8.
4. Đảng ủy Quân sự Trung ương, Nghị quyết về công tác GD-ĐT trong tình hình mới, Nxb QĐND, H.2007, tr.13.
5. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quân đội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015), tr.8.
6. Đảng ủy Quân sự Trung ương, Nghị quyết về công tác GD-ĐT trong tình hình mới, Nxb QĐND, H.2007, tr.25.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Pháp
- Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Ireland
- Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ
- Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba
- Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào Thi đua Quyết thắng, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”