Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

11:16 | 24/11/2017

(Bqp.vn) - Những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cùng với sự cố gắng vượt bậc, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, gìn giữ môi trường hòa bình, hợp tác, hữu nghị trên Biển Đông, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng khen thưởng Vùng 1 Cảnh sát biển và Cục Hải quan thành phố.

Có được kết quả trên, trước hết là do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã triển khai toàn diện, đồng bộ các chủ trương, biện pháp xây dựng Lực lượng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao”, có trình độ và năng lực thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Năm 2017, thông qua nắm tình hình, phối hợp tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện, xử lý và tuyên truyền, đấu tranh, yêu cầu hàng nghìn lượt chiếc tàu thuyền, phương tiện nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam theo đúng chủ trương, đối sách và pháp luật; hàng trăm tàu và đối tượng buôn hàng lậu, gian lận thương mại; phối hợp với Công an và trực tiếp đấu tranh, phá 150 chuyên án, vụ án ma túy; điều tra, xác minh thông tin cướp có vũ trang và các vụ việc liên quan. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính và giá trị tang vật ước tính trên 250 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đang đặt ra nhiều nội dung mới, yêu cầu cao. Về cơ bản, chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh trật tự, môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên các vùng biển của Tổ quốc được giữ vững, nhưng cũng tiềm ẩn những nhân tố phức tạp. Nước ngoài tăng cường diễn tập, hoạt động chấp pháp, nghiên cứu, tôn tạo đảo; sử dụng tàu công vụ, tổ chức xua đuổi, ngăn cản, thậm chí sử dụng biện pháp cứng rắn, làm tổn thất tài sản, thậm chí gây thương vong cho ngư dân các nước và Việt Nam. Hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, như: cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, tội phạm về ma túy, buôn lậu, cải hoán tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản… ở trên biển có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam có sự phát triển, với những khó khăn, phức tạp đan xen, đòi hỏi lực lượng phải nắm vững và giải quyết hiệu quả vấn đề bằng biện pháp pháp luật, mang tính hòa bình, nhân đạo ở trên biển. Theo đó, Cảnh sát biển cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước; trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và năng lực thực thi pháp luật, với một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tích cực nghiên cứu, chủ động tham mưu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trọng tâm là thực hiện tốt vai trò chủ trì nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cấp có thẩm quyền thẩm định, ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đủ mạnh để lực lượng này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, sau gần 20 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (năm 1998, sửa đổi năm 2008) đã xuất hiện một số hạn chế, bất cập. Trong khi đó, nhiệm xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đang đặt ra những vấn đề mới cần giải quyết. Vì vậy, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phải quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của trên về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển, đảo; về xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh trong bảo vệ Tổ quốc; nghiên cứu, phối hợp, tham mưu, đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và trình Chính phủ, đảm bảo được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2018). Đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, tăng cường hiệu lực bảo vệ chủ quyền, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển, góp phần nâng cao năng lực thực thi pháp luật của Cảnh sát biển Việt Nam thời kỳ mới.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là ngư dân các tỉnh, thành phố ven biển. Trên cơ sở Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam, hằng tháng, quý, năm, các cấp ủy, tổ chức đảng đưa công tác này vào nghị quyết lãnh đạo (có thể ban hành nghị quyết chuyên đề); người chỉ huy xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện có nền nếp, phù hợp thực tế, đạt hiệu quả. Quan tâm củng cố, phát huy vai trò của hội đồng (tổ, đội) phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về số lượng, chất lượng, cơ cấu; đổi mới nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp thực hiện phù hợp với đơn vị, đối tượng. Về nội dung, cần tập trung quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của trên, của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, cấp ủy cấp mình về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; của đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của cá nhân; các văn bản pháp luật liên quan công tác nghiệp vụ [1], quy định của cấp có thẩm quyền về quan hệ, tiếp xúc với người nước ngoài; tư tưởng chỉ đạo, phương châm, quy tắc xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình thực thi pháp luật trên biển. Qua đó, nâng cao nhận thức cho bộ đội và nhân dân, nhất là ngư dân, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển; chủ động phối hợp, tham mưu, nghiên cứu, đề xuất, tổ chức biên soạn, xuất bản, phát huy hiệu quả sách “Biển và hải đảo Việt Nam”, “Những điều ngư dân cần biết trong hoạt động thủy sản” cho các đối tượng hoạt động trên biển. Chú trọng tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, nắm tình hình, xử lý tình huống cho các đội nghiệp vụ. Thường xuyên đa dạng hóa hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng: lấy cụm, đội nghiệp vụ, đơn vị độc lập làm đầu mối; xây dựng mỗi tàu một tủ sách pháp luật; duy trì nghiêm các chế độ ngày, tuần, tháng, nhất là trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực nghiệp vụ, báo cáo, xin chỉ thị; thực hiệt tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ngày Pháp luật, Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần. Chủ động kết hợp tuần tra, kiểm soát với phát loa tuyên truyền về pháp luật, quy định hoạt động, quan điểm đối ngoại quốc phòng, đối sách của Nhà nước ta… trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và vùng biển có liên quan. Coi trọng việc biên soạn, in sách, tờ gấp, tờ rơi (bằng tiếng Việt và tiếng Anh...), với những nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện để phát hành rộng rãi đến ngư dân và đối tượng liên quan. Để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, các đơn vị cần tiếp tục phát huy mô hình “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý”, “Mỗi ngày một điều luật, một câu hỏi pháp luật”; hệ thống pa-nô, áp phích, thông tin, truyền thanh nội bộ, thiết chế văn hóa ở cơ sở; trách nhiệm đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt và đội ngũ cán bộ chuyên trách, báo cáo viên, tuyên truyền viên trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát; gắn công tác này với công tác dân vận, giúp dân phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố trên biển.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn lực lượng. Việc thực hiện Đề án phải đạt mục tiêu: xây dựng lực lượng Cảnh sát biển cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp; có tổ chức biên chế hợp lý, tinh gọn, trang bị đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, thực thi pháp luật trên biển và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Trọng tâm là xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, có hiểu biết chuyên sâu về pháp luật và khả năng khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Theo đó, toàn lực lượng tập trung thực hiện tốt Đề án đổi mới công tác giáo dục chính trị ở đơn vị; nâng cao chất lượng huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật, khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Trong quá trình thực hiện, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động: “Phát huy truyền thống, công hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị tốt, bền an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật”... Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại và tạo nguồn vật tư, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ huy, điều hành; phát huy nội lực, tăng cường phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng, nâng cao khả năng xử lý, xử trí các tình huống, không để bị động bất ngờ.

Phối hợp cứu hộ, cứu nạn trên biển của cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Cảnh sát biển.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, lực lượng, trước hết là với các địa phương ven biển, các lực lượng: Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Công an nhân dân, Hải quan, Kiểm ngư trong quá trình thực thi pháp luật. Sự phối hợp này được thực hiện ở trên các vùng biển từ đường cơ sở trở ra đến ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và trong vùng nội thủy, các cảng biển, với từng tổ chức, lực lượng cụ thế. Quá trình thực hiện, phải bám sát đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với từng lực lượng; tuân thủ nghiêm pháp luật Nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế, quy chế, quy định phối hợp, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, trật tự, môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên các vùng biển Việt Nam.

Cùng với đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác đối ngoại Cảnh sát biển. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải quán triệt, thực hiện nghiêm quan điểm, đường lối, chiến lược, chính sách, đối ngoại, hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tích cực nghiên cứu, tham mưu với trên; đồng thời, trực tiếp thực hiện tốt việc ký kết, duy trì nền nếp, hiệu quả các chương trình, kế hoạch hợp tác, đối ngoại quốc phòng, thiết lập đường dây nóng với lực lượng thực thi pháp luật của các nước có vùng biển giáp ranh với vùng biển Việt Nam và các nước trên thế giới, như: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… để thông báo, phối hợp xử lý các tình huống khi cần thiết.

Thực hiện tốt những nội dung, giải pháp cơ bản trên sẽ thiết thực xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có năng lực thực thi pháp luật cao, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị với các nước trong khu vực, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

1 - Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 63/2008/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội; Chỉ thị 04/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Tăng cường công tác quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật và kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội”; Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (năm 2008); Nghị định 50/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự cửa khẩu, cảng biển; Quyết định 28/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên biển; Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam; các hiệp định phân định vùng biển đã được ký kết giữa nước ta với các nước: Trung Quốc, Thái Lan…

File đính kèm:

Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (nguồn: Tạp chí QPTD)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.