Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Nghệ thuật quân sự thời trung đại

14:54 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Đặc điểm của châu Âu ở thời kỳ hình thành và phát triển chế độ phong kiến là tình trạng cát cứ. Các lãnh chúa tiến hành chiến tranh nhằm thôn tính lẫn nhau diễn ra triền miên. Do nước nhỏ, quân ít, bên phòng thủ lợi dụng địa thế xây dựng các thành quách kiên cố để phòng ngự. Bên tiến công vì chưa có vũ khí để đột phá nhanh nên thường áp dụng phương pháp bao vây dài ngày. Cũng có trường hợp dùng sức mạnh đột kích từ ngoài vào có kết hợp với nội ứng để giành thắng lợi nhanh. Những trận hội chiến ít xảy ra. Nhìn chung ở Tây Âu, trong thời kỳ này, chiến lược quân sự bị trì trệ ở mức độ nhất định.

Chiến lược

Ở những nước từ chế độ bộ lạc bước thẳng vào chế độ phong kiến như nước Nga Kiép, vương quốc Arập, Mông cổ... thì sự phát triển của chiến lược gắn liền với cuộc chiến tranh chinh phục. Vì vậy, đặc điểm chiến lược quân sự ở các nước đó là tổ chức và tiến hành những cuộc hành binh với hàng vạn, hàng chục vạn binh lính tham gia. Tùy thuộc vào mục đích, quy mô của cuộc chiến tranh, các cuộc hành binh đó tiên sâu đến hàng trăm, có khi hàng ngàn kilômét và kéo dài từ vài tháng tới vài ba năm. Việc lập kế hoạch, tổ chức liên lạc và hiệp đồng chiến lược đã có sự phát triển cao.

Trong các cuộc chiến tranh chinh phục của Thành Cát Tư Hãn và Hốt Tất Liệt chỉ huy diễn ra ở thế kỷ XVI, chiến lược quân sự đã có bước phát triển mới. Những cuộc cơ động chiến lược mà lực lượng chủ yếu là kỵ binh được tiến hành trên những hướng của chính diện rộng (có khi tới hàng ngàn kilômét) và hợp điểm tới những mục tiêu chiến lược ở rất xa; những hội chiến nối tiếp nhau trên chiều sâu và những cuộc truy kích chiến lược.

Ở nước Nga, vào thế kỷ XIV, trong các cuộc chiến tranh chính nghĩa chống quân Tơtông và quân Tácta - Mông Cổ, chiến lược quân sự Nga cũng có bước phát triển. Một điểm mới trong chiến lược là sự kết hợp tác chiến tiến công với tác chiến phòng ngự khi phải tiến hành chiến tranh chống một số kẻ địch. Đến thế kỷ XIV, nhằm thống nhất nước Nga, chiến lược của Đại công quốc Mátxcơva là kiên quyết tiến công đập tan lực lượng chủ yếu của quân Tácta. Khi nhà nước phong kiến tập quyền Nga tiến hành thu hồi vùng lưu vực sông Vonga và tiến ra biển Bantích (thế kỷ XVI) thì chiến lược của họ vừa khôn khéo vừa kiên quyết nên đã khuất phục được vương quốc Kazan (1552) và vương quốc Astrakhan (1556).

Đến thế kỷXVI, XVII, ở châu Âu đã ra đời các nhà nước tập quyền và sự phát triển hỏa khí đã có ảnh hưởng mang tính cách mạng cả trong tổ chức quân đội và trong tác chiến. Đã diễn ra quá trình thành lập các quân đội đánh thuê thường trực được chỉ huy và cung cấp tập trung. Những đội quân thường trực này có khả năng tác chiến chính quy và tỏ rõ sự hơn hẳn so với các đội quân phong kiến thiếu tổ chức chặt chẽ.

Chiến thuật

Trong thời gian từ thế kỷ VI - X, khi tiến hành chiến đấu ở dã ngoại, cơ bản vẫn áp dụng đội hình khép kín như thời nô lệ, có chú trọng hơn trong sử dụng kỵ binh và yếu tố cơ động, tổ chức và sử dụng dự bị.

Từ thế kỷ XI - XIV, ở châu Âu, kỵ binh hiệp sĩ giữ vai trò chủ yếu quyết định trận đánh. Trận chiến đấu về cơ bản chỉ còn là tập hợp các trận quyết đấu giữa từng cặp hiệp sĩ. Kỵ binh hiệp sĩ xếp thành một hàng ngang, người này cách người kia chừng 5m. Đó là cách dàn trận “hàng rào chắn”, đi sau mỗi hiệp sĩ là những người mang vũ khí, người hầu và nô bộc. Cuộc đấu giữa hai hiệp sĩ của hai bên diễn ra “một chọi một” nhằm đánh bật đối phương khỏi yên ngựa và bắt làm tù binh. Vì kỵ binh hiệp sĩ cả người và ngựa đều được che bằng những chiếc giáp kim loại nặng nề nên không thể truy kích được.

Các hiệp sĩ thuộc các giáo đoàn người Đức đã áp dụng đội hình “đầu lợn lời” (thủ lợn sắt). Các hiệp sĩ thiện chiến đi đầu tạo thành mũi nhọn tiếp sau và phía trong là bộ binh, hai bên sườn và phía sau có các kỵ sĩ xếp thành hàng che chở. Khi chiến đấu, mũi nhọn - hiệp sĩ chọc thủng và làm rối loạn đội hình chiến đấu đối phương, tiếp đó các đội bộ binh xông lên dưới sự yểm trợ che chở của hiệp sĩ, kỵ sĩ mà giành thắng lợi.

Quân Mông Cô, khi tác chiến sử dụng kỵ binh nhẹ (cung nỏ) thực hành vu hồi bao vây rộng, cô lập và làm suy yếu đối phương, dùng kỵ binh đột kích (gươm giáo...) theo đội hình mật tập từng “thiên hộ” công kích liên tục vào sườn và phía sau, để tiêu diệt đối phương.

Vào thế kỷ XV, dân quân Tiệp Khắc trong phong trào dân tộc Janhus đã áp dụng phương pháp chiến đấu độc đáo gọi là công sự lưu động (Tabo) vừa phòng ngự vừa tiến công. Các chiến binh được vũ trang bằng bạch khí và hỏa khí ngồi trên các xe vận tải do ngựa kéo. Khi phải phòng ngự, các xe đó được xếp thành vòng tròn liên kết với nhau bằng dây xích làm tuyến chướng ngại che chở cho bộ binh dàn ở bên trong bắn chặn địch và xuất kích. Khi tiến công, các xe xếp thành vài hàng dọc hoặc hàng ngang tùy theo địa hình, vừa vận động tiến lên, vừa xạ kích và lao vào hàng ngũ địch.

Đến thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, các quân đội ở châu Âu đều được trang bị nhiều hỏa khí. Đội hình chiến đấu là sự kết hợp lính cầm súng đứng ở các hàng phía trước để xạ kích và cầm gươm giáo đứng ở các hàng phía sau để đột kích, như kiểu đội hình chiến đấu “Tếtxia” của Tây Ban Nha hoặc “chòm sao Nhân mã” của Nga. Pháo binh bố trí ở phía trước hoặc giữa khoảng cách của các khối quân ở tuyến đầu kỵ binh yểm trợ hai bên sườn.

Ở phương Đông, do súng bộ binh ít, chủ yếu dùng thần công trông giữ thành, sử dụng thần công loại nhỏ cùng hỏa nổ và cung nỏ để chi viện cho bộ binh gươm giáo giáp chiến.

Nghệ thuật thủy chiến cũng có bước phát triển. Từ cuối thế kỷ XIV, do chế tạo được la bàn, phát triển thuyền buồm và pháo binh nên quy mô và ý nghĩa của các hoạt động quân sự trên biển đã tăng lên. Đến thế kỷ XVII, các tàu buồm và lực lượng chủ yếu trong hải quân và hỏa lực pháo binh đã giữ vai trò quyết định các trận hải chiến. Hải quân được sử dụng phối hợp chặt chẽ với lục quân ở cả phạm vi chiến lược và chiến đấu.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.