Web Content Viewer
ActionsLực lượng vũ trang Tây Sơn (1789 - 1802)
(Bqp.vn) - Lực lượng vũ trang của nhà nước phong kiến Việt Nam triều đại Tây Sơn được tiếp nối từ nghĩa quân khởi nghĩa Tây Sơn do anh em nhà Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ lãnh đạo.
Nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã được tổ chức theo hướng thủy - bộ hóa dưới quyền thống lĩnh của Nguyễn Huệ vào gg cuối của cuộc khởi nghĩa. Quân được tuyển từ các dân tộc gồm nhiều tầng lớp xã hội thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ ngày nay. Lực lượng phát triển rất nhanh nhờ được sự ủng hộ của nhân dân, lúc đầu khoảng 3 nghìn người, sau phát triển tới 26 nghìn người.
Lực lượng quân khởi nghĩa Tây Sơn gồm quân bộ và quân thủy, có nhiều thuyền chiến và voi chiến, được tổ chức chặt chẽ; có thể tác chiến được cả thủy và bộ. Hệ thống yêu cầu quân đội dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ rất phù hơp với một quân đội lấy hình thức tác chiến tấn công là chủ yếu.
Quân thủy được coi trọng đặc biệt trong huấn luyện và tác chiến, là một binh chủng phát triển mạng và có khả năng chiến đấu cao dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Quang Trung - thủy binh được phân chia theo chức năng, gồm 4 lực lượng:
- Các đơn vị tác chiến trên biển, được trang bị các chiến thuyền loại vừa có gắn đại bác chở được nhiều quân.
- Các đơn vị tác chiến sông - biển, được trang bị các chiến thuyền loại vừa có gắn đại bác.
- Các đơn vị tuần tiễu, được trang bị các chiến thuyền nhỏ, làm nhiệm vụ tuần phòng và đánh cắt giao thông đường thủy.
- Các đơn vị tiên phong, được trang bị các thuyền buồm loại nhẹ làm nhiệm vụ đi đầu trong các cuộc thủy chiến.
Lực lượng thủy binh quân Tây Sơn thuộc vào loại lớn lúc đó so với thủy binh các nước trong khu vực, với hàng trăm chiếc thuyền các loại, trong đó có nhiều thuyền đại hiệu được trang bị tới 66 khẩu đại bác bắm đạn 12 kg và biên chế 700 quân. Mỗi thuyền đại hiệu được coi là một đơn vị chiến thuật cơ bản (tương đương một cơ của bộ binh), vừa như là một pháo thuyền.
Quân bộ gồm bộ binh, tượng binh, kỵ binh, pháo binh. được biên chế theo nguyên tắc “ngũ ngũ chế” thành đội (60 - 100 người), 5 đội thành 1 cơ (300 - 500 người), 5 cơ (và một số đội) thành 1 đạo (gồm 1.500 - 2.500 người), 5 đạo ( và một số cơ) thành một doanh (gồm khoảng 15 nghìn người). Doanh và đạo là những đơn vị hỗn hợp có cả các thành phần bộ binh (như đơn vị bộ đội hợp thành của quân đội hiện đại). Những đơn vị này được trang bị hỏa lực mạnh, có khả năng cơ động cao và sức tấn công lớn, có khả năng chiến đấu hiệp đồng giữa các bộ phận và nhân lực tốt.
Về trang bị, ngoài vũ khí lạnh thông thường, quân đội Tây Sơn còn được trang bị nhiều hỏa khí như đại bác, súng hỏa mai, hỏa cầu, hỏa hổ… với số lượng khá lớn. đặc biệt, súng đại bác của quân đội Tây Sơn có nhiều loại gắn trên các chiến thuyền có cỡ nòng tới 140 và 160 mm, nặng gần 4 tấn một khẩu.
Quân đội Tây Sơn lúc cao nhất lên tới 100 nghìn người. Kỷ luật quân đội nghiêm minh, được huấn luyện tốt, tinh thần chiến đấu cao (vào giai đoạn Quang Trung chỉ huy).
Để thuận tiện cho việc gọi quân thời chiến hay thay quân thời bình, dưới thời vua Quang Trung đã chia dân đinh ra làm 4 hạng:
- Vi cấp bách, từ 9 - 17 tuổi;
- Tráng hạng, từ 18 - 55 tuổi;
- Lão hạng, từ 56 - 60 tuổi;
- Lão nhiêu, từ 61 tuổi trở lên.
Nhà Tây Sơn đã cho phát thẻ “Thiên hạ đại tín” - tín bài - để tiện quản lý và tuyển mộ người vào quân đội.
Dưới thời vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, Quân đội Tây Sơn từng đánh tan 290.000 quân Thanh xâm lược từ phương Bắc tới và 50 nghìn quân Xiêm xâm lược từ phương Nam nước ta.
Sau khi Quang Trung mất, quân đội Tây Sơn đã không được xây dựng theo tư tưởng của ông và bị phân hóa, suy yếu dần, cuối cùng bị Nguyễn Ánh được sự trợ giúp của quân Pháp đánh bại vào năm 1802, triều đại Tây Sơn sụp đổ.