Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế

17:26 | 21/07/2013

(Bqp.vn) - Hiện nay, hội nhập quốc tế về công nghiệp quốc phòng (CNQP) là một tất yếu khách quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để CNQP Việt Nam hội nhập quốc tế có hiệu quả, đúng hướng, cần nhận thức rõ cơ hội, thách thức, kiên định mục tiêu, phương hướng đã xác định.


Sản xuất thuốc nổ công nghiệp tại Công ty Điện cơ và Vật liệu nổ 31.

Thực hiện phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” [1], Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có CNQP. Quan điểm trên đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Đó là: xây dựng và phát triển CNQP là nhiệm vụ cơ bản vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài… tự lực tự cường, phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế để tận dụng thành tựu khoa học - công nghệ và các nguồn lực khác, nhằm tiếp nhận công nghệ mới sản xuất vũ khí, trang bị (VKTB) kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Những năm qua, việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương này đã đạt được những kết quả quan trọng, giải quyết được nhiều vấn đề có tính cấp bách trước mắt, cũng như lâu dài. Từ việc phải dựa vào nguồn cung cấp VKTB kỹ thuật của nước ngoài thông qua cơ chế viện trợ quân sự là chủ yếu, bước vào thời kỳ hội nhập, nội lực kinh tế đất nước đã phát triển, đủ sức tự bảo đảm cho các nhu cầu của lực lượng vũ trang, thông qua cơ chế mua bán quốc tế hoặc đầu tư cho CNQP nghiên cứu, sản xuất. Đây là sự thay đổi cơ bản trong mối quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác trên thị trường quốc tế về mua bán vũ khí và chuyển giao công nghệ quân sự. Đồng thời, nước ta cũng đã từng bước hội nhập, tham gia ký kết và thực hiện nghiêm túc các điều ước quốc tế liên quan tới kiểm soát vũ khí, trên cơ sở bảo đảm các lợi ích quốc gia và tôn trọng luật pháp quốc tế. Việc mở rộng hợp tác song phương, đa phương, gia nhập các tổ chức quốc tế và khu vực, thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược, ký kết các thoả thuận hợp tác liên chính phủ về kinh tế, quốc phòng, kỹ thuật quân sự… đã nâng vị thế của đất nước và tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho CNQP được tiếp cận và mở rộng mối quan hệ hợp tác, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, mua sắm vật tư kỹ thuật với nhiều đối tác khác nhau trên thế giới. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chúng ta đã có những doanh nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong sản xuất, kinh doanh, với doanh thu xuất khẩu hàng kinh tế đạt vài chục triệu USD/năm. Thành công của các dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNQP cũng bước đầu góp phần khẳng định: Việt Nam là một đối tác tin cậy, tôn trọng các cam kết quốc tế và có trách nhiệm đối với sự nghiệp gìn giữ hòa bình trên thế giới; đồng thời, tạo ra được một số chuyển biến mới về chất trong năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo của ngành CNQP.

Tuy nhiên, hội nhập quốc tế về CNQP thời gian qua cũng bộc lộ một số bất cập nhất định, cả trong định hướng quản lý vĩ mô cũng như tổ chức thực hiện. Đó là sự phối hợp trong nghiên cứu, tham chiếu, đàm phán và thực thi các văn bản pháp lý quốc tế có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động CNQP có lúc, có việc chưa đồng bộ, chặt chẽ. Một số cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp làm thương mại quân sự am hiểu về công pháp và tư pháp quốc tế còn hạn chế. Việc nắm bắt kịp thời, chính xác thông tin về “luật chơi” và “người chơi” trên thị trường quốc tế về mua bán vũ khí, công nghệ quân sự; kinh nghiệm và kỹ năng đàm phán, trình độ ngoại ngữ; việc chấp hành các quy định về bảo mật, trình tự và thủ tục quản lý hoạt động thương mại quân sự của một số đơn vị CNQP… vẫn là những vấn đề lớn, cần có thời gian và quyết tâm cao để có thể khắc phục, hoàn thiện. Việc dỡ bỏ các rào cản, hạn chế, cấm vận… của một số nước đối với Việt Nam trong mua bán hàng hóa quân sự và chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ kỹ thuật cao cũng cần tiếp tục đấu tranh trong thời gian tới.

Những hạn chế và khó khăn nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có những vấn đề gắn trực tiếp với tính đặc thù của CNQP. Là một bộ phận cấu thành của nền công nghiệp quốc gia, hội nhập quốc tế về CNQP của Việt Nam không thể tách rời, biệt lập với nhiệm vụ chung và các cơ chế, chính sách, môi trường pháp luật… của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, so với các ngành công nghiệp dân sinh, quá trình hội nhập của CNQP thường gặp nhiều “rào cản” hơn. Yêu cầu nhiệm vụ sản xuất VKTB kỹ thuật gắn với lợi ích quốc phòng, an ninh của đất nước đòi hỏi trong quá trình hội nhập quốc tế phải tuân thủ các quy định riêng về an toàn, an ninh, lựa chọn đối tác, khả năng tự lực tự cường trong các tình huống bị bao vây, cấm vận, duy trì và phát triển đội ngũ kỹ thuật nòng cốt… Không chỉ trên thị trường quốc tế, mà ngay tại “sân nhà” Việt Nam, trong hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp CNQP, một số đối tác nước ngoài cũng có chính sách phân biệt đối xử, hạn chế giao dịch hoặc hạn chế sự tham gia đấu thầu. Những yếu tố khách quan đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định tới năng lực cạnh tranh, cơ hội đầu tư, khả năng tiếp cận thông tin và đa dạng hóa các đối tác của ngành CNQP.

Mặt khác, khó khăn trong hội nhập quốc tế về CNQP còn liên quan tới những đặc thù của thị trường quốc tế về vũ khí và công nghệ quân sự. Tại “sân chơi” này, đã, đang và sẽ còn có sự áp đặt những “luật chơi” hết sức ngặt nghèo, gây bất lợi đối với các nước có trình độ phát triển CNQP ở mức thấp. Hàng hóa và dịch vụ được giao dịch trên thị trường quốc tế về vũ khí và công nghệ quân sự không phải là đối tượng điều chỉnh của WTO và các điều ước quốc tế khác liên quan tới tự do hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu. Ngược lại, việc mua bán, chuyển giao vũ khí và công nghệ quân sự trên thế giới được kiểm soát bởi nhiều văn bản pháp lý quốc tế riêng biệt, bao gồm cả đa phương, song phương và thậm chí cả các chế tài đơn phương của riêng một số cường quốc giữ vai trò chi phối. Xu hướng toàn cầu hóa, phân công chuyên môn hóa và liên kết quốc tế trong lĩnh vực CNQP cũng diễn ra chậm hơn so với các ngành kinh tế dân sự. Ngoài mô hình liên kết CNQP trong phạm vi Liên minh châu Âu, hầu hết các quốc gia trên thế giới trong chiến lược phát triển CNQP của mình đều quan tâm tới khả năng tự lực cánh sinh, hạn chế tối đa sự lệ thuộc vào nước ngoài. Trong khuôn khổ định hướng xây dựng Cộng đồng ASEAN đến năm 2015, một số nước thành viên đã đề xuất sáng kiến kết nối hợp tác CNQP. Tuy nhiên, các cuộc hội thảo về chủ đề này trong thời gian qua cũng mới chỉ dừng lại ở việc trao đổi thông tin về ý tưởng và viễn cảnh lâu dài. Vì vậy, phải có thêm nhiều thời gian mới có thể bắt đầu bàn bạc và xúc tiến các công việc hợp tác thực chất trong tương lai.

Mua bán vũ khí và công nghệ quân sự là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm trong các mối quan hệ quốc tế. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc xây dựng lòng tin, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trên thế giới và tại các khu vực có liên quan. Xung đột lợi ích trong cạnh tranh, giành giật khách hàng trên thị trường đặc biệt này có thể trở thành chất xúc tác cho chạy đua vũ trang và “chiến tranh lạnh” ở các quy mô cao thấp khác nhau, cả trên phạm vi thế giới cũng như tại từng khu vực. Trong thực tiễn, cũng có trường hợp các chương trình phát triển vũ khí tiến công tầm xa, vũ khí hủy diệt, hoặc các hoạt động mua bán “vượt tầm kiểm soát” được tận dụng để “tạo cớ” cho các biện pháp trừng phạt, cấm vận, thậm chí ở mức cao nhất là phát động chiến tranh “nóng”. Chính vì vậy, hội nhập quốc tế về CNQP phải được xác định là một “kênh” không tách rời quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh, từng bước đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất và hiệu quả. Đồng thời, hội nhập quốc tế về CNQP phải có bước đi hợp lý, chủ động, tích cực, tuân thủ nghiêm luật pháp Việt Nam và các cam kết quốc tế mà nước ta tham gia.

Theo quan điểm của Đảng ta, hội nhập quốc tế về CNQP phải gắn liền với định hướng nhiệm vụ chính trị của CNQP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Đối với nhiệm vụ quốc phòng, hội nhập quốc tế về CNQP phải góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nhiệm vụ này phải được đặt trong tổng thể chiến lược hội nhập quốc tế về quốc phòng và an ninh. Đồng thời, phải hướng trọng tâm vào việc trực tiếp phục vụ có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa VKTB kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của các lực lượng vũ trang. Hội nhập quốc tế về CNQP còn nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân lực, phát triển tiềm lực khoa học kỹ thuật quân sự, góp phần hiện đại hóa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh môi trường quốc tế đang có nhiều tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển CNQP, hội nhập quốc tế về CNQP phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức mới. Thực chất, đây là một trong những vấn đề luôn có sự đan xen giữa hợp tác và đấu tranh. Vì thế, trong quá trình hội nhập, chúng ta phải vừa kiên quyết bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời, phải chú trọng hiệu quả tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh… thực hiện thành công hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh, xây dựng lòng tin, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Đối với nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, hội nhập quốc tế phải phục vụ cho việc nâng cao hiệu quả đóng góp của CNQP vào sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Yêu cầu này đòi hỏi sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của CNQP vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực mới cho sự tăng trưởng bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đối với các doanh nghiệp CNQP nòng cốt, hội nhập kinh tế quốc tế là điều kiện cần thiết để phát huy các sở trường “lưỡng dụng”, phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, thu hút nguồn lực khoa học - công nghệ, gìn giữ nguồn nhân lực và bảo đảm đời sống cho người lao động...

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hội nhập quốc tế về CNQP, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối về quân sự, quốc phòng, đối ngoại của Đảng; tăng cường sự thống nhất trong định hướng chiến lược và chỉ đạo điều hành quá trình hội nhập quốc tế về CNQP, bảo đảm các lợi ích của đất nước, đặt trong tổng thể chung của hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh, hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với nội lực và nhu cầu phát triển của CNQP Việt Nam.

Hai là, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng của Nhà nước ở các bộ, ban, ngành và Bộ Quốc phòng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, cũng như các nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, cần có sự liên kết đồng bộ hơn trong quá trình xác định, lựa chọn đối tác, nghiên cứu, đàm phán, thực thi các văn kiện pháp lý quốc tế, cũng như trong đấu tranh, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo môi trường thuận lợi cho hội nhập quốc tế về CNQP. Nghiên cứu ban hành và đồng bộ hóa các văn bản pháp lý của Việt Nam về CNQP, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý CNQP cho phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ba là, tiếp tục thúc đẩy quá trình hội nhập thị trường quốc tế về vũ khí và công nghệ quân sự trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, hiệu quả, lợi ích và tuân thủ nghiêm luật pháp Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu hàng kinh tế, hàng lưỡng dụng và một số chủng loại vũ khí thông thường do nước ta sản xuất. Quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại quân sự, cảnh giác và ngăn ngừa các tiêu cực của “chợ đen vũ khí quốc tế”, khắc phục các chế tài cấm vận, hạn chế của một số quốc gia, xử lý tốt các tình huống “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế về mua sắm vũ khí, công nghệ quân sự; không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Bốn là, tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác, các cơ chế liên doanh, liên kết để thu hút các nguồn lực mới từ bên ngoài, phục vụ xây dựng và phát triển CNQP. Mạnh dạn thí điểm một số mô hình, phương thức mới trong hợp tác CNQP với các đối tác chiến lược, với các nước trong khu vực và với một số tập đoàn xuyên quốc gia… Đồng thời, tranh thủ khai thác các nguồn ngoại lực khác: Việt kiều, chuyên gia nước ngoài, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài...

Năm là, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp CNQP tích cực, chủ động phát triển thị trường, bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả cao hơn trong hội nhập quốc tế. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết luật pháp quốc tế, nghiệp vụ thương mại quân sự. Nâng cao năng lực cạnh tranh, chấp hành nghiêm các quy định an ninh, bảo mật. Kết nối doanh nghiệp CNQP với công nghiệp quốc gia trong hội nhập quốc tế và tham gia các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu trong các lĩnh vực chế tạo cũng như xuất khẩu hàng kinh tế.

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là phát triển tiềm lực quân sự nhằm mục đích tự vệ và là điều kiện tiên quyết để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc… Trong tiến trình hiện đại hóa quân đội, phát triển và hội nhập về CNQP không nằm ngoài mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

[1] - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 83.

File đính kèm:

Thiếu tướng, PGS, TS Đoàn Hùng Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.