Web Content Viewer
ActionsBộ Quốc phòng Triển khai và thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020”
(Bqp.vn) - Thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong công tác đối ngoại quốc phòng, là kênh thông tin tuyên truyền các hoạt động và hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam với nước ngoài, nhằm tạo nên sức mạnh quốc phòng toàn diện, cân đối, góp phần vào hội nhập quốc tế của đất nước, giữ vững hòa bình, đẩy lùi và ngăn chặn các hoạt động gây chiến của kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhiệm vụ phòng thủ đất nước, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi quy mô và hình thức.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ trì Hội nghị giao ban đối ngoại triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013. (ảnh: Anh Phương)
Trong những năm qua, Bộ Quốc phòng đã tích cực triển khai tăng cường công tác thông tin đối ngoại quốc phòng, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 06/8/2012 về việc triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020”. Bộ Quốc phòng đã giao cho Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn cơ quan chính trị các đơn vị đầu mối thực thuộc Bộ Quốc phòng và cơ quan báo chí quân đội tích cực triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể sau đây:
- Tiếp tục đi sâu quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Chỉ thị số 26 ngày 10/9/2008 của Ban Bí thư (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”; Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 21 CT-TTg ngày 06/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020”. Tuyên truyền về tình hình khu vực và thế giới; các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan, ban ngành của Trung ương và quân đội; việc cụ thể hoá triển khai, thực hiện Nghị quyết của Đảng và các văn bản của cấp trên có liên quan đến công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn quân về công tác thông tin đối ngoại, đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới.
- Trên cơ sở củng cố, kiện toàn về tổ chức, tăng cường năng lực lãnh đạo, phối hợp hoạt động của các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, công tác tuyên truyền đã tập trung làm rõ những thành tựu đổi mới của nước ta hiện nay, giới thiệu những thành quả của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng; khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”; tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
- Tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hình thức, tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác đấu tranh chống những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch trong các vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới, lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí…; Tuyền truyền, giáo dục trong đơn vị và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch chống phá đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Thông tư 88/2010/TT-BQP ngày 02/7/2010 của Bộ Quốc phòng về “Quy chế tổ chức, quản lý và phối hợp công tác đối ngoại quân sự”.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, cơ quan chính trị các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng đã thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại cho các cơ quan, đơn vị thuộc quyền. Chủ động xây dựng kế hoạch công tác thông tin đối ngoại hàng năm gắn với việc tuyên truyền kết quả, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX và luôn coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của công tác đảng, công tác chính trị tại đơn vị.
Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị chủ trì phối hợp với Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng, Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng, Cục Chính trị/Bộ Tư lệnh Hải quân, Cục Chính trị/Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Cảnh sát Biển Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tổng hợp, cung cấp thông tin đối ngoại, thống nhất định hướng tư tưởng trong toàn quân.
Các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan làm tốt việc chuẩn bị tài liệu, xây dựng nội dung, hình thức và tổ chức tuyên truyền đạt hiệu quả sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, công nhân viên của đơn vị và nhân dân địa phương. Trong đó, nổi lên là việc thực hiện các chương trình phối hợp tuyên truyền giữa Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn đóng quân.
Công tác thông tin đối ngoại cũng đã tập trung tuyên truyền kết quả công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Cam-pu-chia và việc tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam - Lào. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giao lưu, kết nghĩa, thăm hỏi, tặng quà giữa các đơn vị Bộ đội Biên phòng, chính quyền và nhân dân địa phương hai bên biên giới.
Căn cứ đặc điểm, tình hình, điều kiện cụ thể, các cơ quan, đơn vị đã lựa chọn nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, đạt hiệu quả thiết thực. Ngoài việc tuyên truyền thường xuyên trên báo chí; giới thiệu tài liệu (tài liệu in và tài liệu điện tử); tuyên truyền trực quan thông qua hệ thống pa-nô, áp phích, tờ rơi, triển lãm; thông qua các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật (thơ, ca, truyện, ký, sân khấu, điện ảnh…), các cơ quan, đơn vị đã chú trọng lựa chọn hình thức trao đổi, toạ đàm, đối thoại, hội thảo…; coi trọng hình thức tuyên truyền miệng và các hình thức hoạt động tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Đoàn thanh niên ở đơn vị cơ sở.
Các cơ quan báo chí quân đội đã tăng cường các hoạt động thông tin truyên truyền về đối ngoại, đối ngoại quốc phòng, chủ động thông tin về những sự kiện chính trị trong nước, khu vực và quốc tế liên quan đến đối ngoại quốc phòng. Giữ vững định hướng tuyên truyền các vấn đề nhạy cảm về biên giới, lãnh thổ, biển đảo, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông của Việt Nam, năm hữu nghị Việt Nam - Lào; Việt Nam - Cam-pu-chia… Trên cơ sở bám sát nhiệm vụ, định hướng thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại quốc phòng, từng cơ quan báo chí chủ động, sáng tạo, tìm tòi, nâng cao số lượng, chất lượng các tin, bài, phóng sự, sách, báo, ấn phẩm văn hóa, phim ảnh và các hình thức khác trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng kích động dư luận, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Trong thông tin tuyên truyền đã chú ý kết hợp thông tin đối ngoại với thông tin quân sự, quốc phòng nhằm tăng tính hiệu quả của công tác tuyên truyền đối ngoại. Phát huy vai trò đa phương tiện của Internet, trang điện tử có chất lượng cao bằng ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc; tích cực xuất bản nhiều ấn phẩm thông tin đối ngoại có chất lượng.
Qua gần một năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 06/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai, thực hiện “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020”, công tác thông tin đối ngoại quốc phòng đã hoàn thành các chương trình, kế hoạch công tác đối ngoại quốc phòng đề ra, góp phần nâng cao vị thế của đất nước, của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế, làm cho toàn quân, toàn dân, bạn bè quốc tế hiểu hơn chính sách quốc phòng của Việt Nam, những thành tựu đối ngoại và công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân trong điều kiện mới.
Để góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, tạo môi trường thuận lợi cho hội nhập quốc tế, công tác thông tin đối ngoại nói chung và thông tin đối ngoại quốc phòng cần bám sát một số định hướng hoạt động chủ yếu sau:
Trước hết, các cấp, các ngành cần tiếp tục chú trọng công tác giáo dục nâng cao nhận thức về vị thế, vai trò của công tác thông tin đối ngoại đối đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về những cơ hội và thách thức đặt ra hiện nay để không ngừng đổi mới công tác thông tin đối ngoại nhằm tranh thủ nhiều hơn, hiệu quả hơn sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Tiếp tục đổi mới nội dung thông tin đối ngoại quốc phòng cho phù hợp với tình hình mới. Theo đó, công tác thông tin đối ngoại cần tập trung xây dựng và giới thiệu hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” với truyền thống vẻ vang trong các cuộc kháng chiến và hiện nay, giỏi trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao, tham gia tích cực vào công tác xoá đói, giảm nghèo, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, từng bước vươn lên làm chủ khoa học công nghệ và kỹ thuật quân sự, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời chủ động, kiên quyết đấu tranh vạch trần phản bác các thông tin sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Theo định hướng trên, cần thực hiện tốt một số giải pháp chính sau đây:
Một là: Để thông tin đối ngoại đáp ứng yêu cầu bảo về Tổ quốc trong tình hình mới, cần thiết phải xây dựng một chiến lược thông tin phù hợp với thực tiễn mới đang đặt ra. Trong đó phải quan tâm xây dựng cơ quan tham mưu về công tác này đủ tinh nhạy, luôn bám sát đường lối, quan điểm của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, kịp thời cung cấp và phối hợp thông tin, phát huy được vai trò của hệ thống truyền thông, tạo nên sự thống nhất trong thông tin, nhất là những vấn đề có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, độc lập chủ quyền của Việt Nam như vấn đề biên giới, hải đảo…
Hai là: Phương thức thông tin đối ngoại trong thời gian tới cần được tiếp tục nghiên cứu không ngừng đổi mới. Sự phát triển của công nghệ thông tin đòi hỏi phải có phương thức thông tin đối ngoại phù hợp, đáp ứng được yêu cầu về thời gian đối với thông tin, không ngừng mở rộng, đa dạng hoá các loại hình thông tin đối ngoại. Trong đó, phải chú trọng đến việc sử dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin nhằm tăng thời lượng phát thanh, truyền hình, báo điện tử và chuyển tải nhiều hơn thông tin, sản phẩm văn hoá có nội dung tốt đến đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Đồng thời, cần tăng cường nguồn lực thông tin bằng tiếng nước ngoài, nâng cao nội dung và tính hấp dẫn về hình thức của các ấn phẩm thông tin đối ngoại. Bên cạnh đó, các hình thức tuyên truyền đối ngoại khác như thông qua các đoàn quân sự nước ta ra nước ngoài thăm, làm việc, các đoàn quân sự vào Việt Nam, các hoạt động giao lưu văn hoá, trao đổi nghệ thuật... cần được quan tâm nhiều hơn.
Ba là: Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và khuyến khích sự nỗ lực phấn đấu của lực lượng cán bộ trên mặt trận thông tin đối ngoại nhằm không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị và trình độ tác nghiệp để có thể đáp ứng tốt những yêu cầu mới đặt ra đối với công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới, góp phần tích cực vào sự nghiệp củng cố quốc phòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Ireland
- Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ
- Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba
- Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào Thi đua Quyết thắng, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”
- Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc