Web Content Viewer
ActionsTiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng
(Bqp.vn) - Phát triển công nghiệp quốc phòng là chủ trương chiến lược của Đảng. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị Quyết số 06-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Bộ Quốc phòng đã kịp thời tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đạt được những kết quả bước đầu. Đây là cơ sở để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới.
Kế thừa, phát triển Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) được ban hành thể hiện sự nhất quán trong đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành một bộ phận quan trọng của tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia, bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, có trình độ khoa học - công nghệ (KH-CN) tiên tiến, hiện đại; có năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có tính năng kỹ thuật, chiến thuật cao; góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, nhất là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Qua gần hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW, chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện. Nổi bật là, việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết được tiến hành nghiêm túc với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội. Nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng được nâng lên. Với vai trò là nòng cốt, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 767/QĐ-TTg, ngày 22/6/2012, phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết; kiện toàn tổ chức và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 06 và Cơ quan thường trực (trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo 27). Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng đã xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng 5 năm (2011 - 2015), trong đó xác định rõ danh mục các dự án đầu tư chiều sâu với mục tiêu gắn nâng cao năng lực sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật với năng lực sửa chữa, cải tiến các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có trong trang bị của các đơn vị, nhất là khối quân chủng, binh chủng, phục vụ yêu cầu “quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm” của toàn quân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng được quan tâm hơn. Bộ đã chỉ đạo thành lập được ban soạn thảo quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và cơ chế đặc thù; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; chỉ đạo Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật, Cục Quân lực triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa quốc phòng; đẩy mạnh nghiên cứu hoàn chỉnh và bước đầu ban hành các văn bản quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, đáp ứng sự phát triển của thực tiễn. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 34/TT-BQP quy định chi tiết một số điều trong Quyết định số 111/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, nhằm huy động các nguồn lực của KH-CN và công nghiệp quốc gia cho phát triển công nghiệp quốc phòng...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là, công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng và huy động công nghiệp dân sinh phục vụ công nghiệp quốc phòng chưa được coi trọng đúng mức; các dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý còn nhiều bất cập; quy mô các đơn vị công nghiệp quốc phòng nòng cốt vẫn nhỏ lẻ, phân tán...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, song nguyên nhân chủ quan là do nhận thức về vai trò, vị trí của công nghiệp quốc phòng ở một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ; chất lượng nghiên cứu, dự báo, triển khai thực hiện còn hạn chế; đội ngũ chuyên gia đầu ngành KH-CN còn thiếu, nhất là trong lĩnh vực thiết kế vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, tiếp nhận công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao… Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân, trước hết là trong ngành công nghiệp quốc phòng cần rút kinh nghiệm, để có giải pháp khắc phục kịp thời.
Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn trên thế giới; nhưng tình hình sẽ có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Toàn cầu hóa và cách mạng KH-CN, trong đó có KH-CN quân sự có bước phát triển mạnh mẽ. Các nước công nghiệp phát triển đẩy mạnh sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, cho ra đời nhiều loại vũ khí mới. Chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao ngày càng phổ biến… Đối với nước ta, khả năng đáp ứng cho công nghiệp quốc phòng của một số ngành công nghiệp chủ chốt cũng như hợp tác quốc tế về KH-CN quân sự còn có những khó khăn; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển, yêu cầu cao.
Trong bối cảnh đó, để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng theo mục tiêu, yêu cầu đã xác định, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị; trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, nắm vững Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản, hướng dẫn của các cơ quan chức năng về phát triển công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ngành công nghiệp quốc phòng cần nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; nhận thức rõ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà nòng cốt là Bộ Quốc phòng và một số Bộ, Ban, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thành các mục tiêu, giải pháp sát với yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của ngành, đơn vị mình; phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, hoàn thành tốt các chỉ tiêu của Nghị quyết. Trước mắt, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị Quyết 06-NQ/TW, trọng tâm là Kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Trong quá trình quán triệt Nghị quyết, cần nhận thức sâu sắc quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực tự cường; kết hợp phát huy nội lực, với tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài thông qua hợp tác quốc tế. Đồng thời, cần thấy rằng công nghiệp quốc phòng là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, nên nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, một mặt, phải góp phần thúc đẩy công nghiệp quốc gia phát triển; mặt khác, phải phát huy tối đa những thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng, phải kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất quốc phòng với phát triển kinh tế, tạo tiền đề để công nghiệp quốc phòng hội nhập và từng bước vươn ra thị trường quốc tế, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Hai là, làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng. Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung hoàn thiện Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW và Chiến lược trang bị của quân đội đã xác định. Để thực hiện tốt công tác này, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, mà nòng cốt là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc khảo sát, đánh giá năng lực một số cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp quốc phòng dân sinh để phục vụ việc lập quy hoạch. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng cần phải được tính toán kỹ lưỡng, có lộ trình và bước đi phù hợp; kiên trì với các mục tiêu đã xác định, coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực KH-CN; tập trung đầu tư có trọng điểm cho các sản phẩm mũi nhọn với trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại; tăng tính lưỡng dụng trong đầu tư phát triển. Đồng thời, coi trọng tiếp nhận công nghệ mới trong sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ba là, kiện toàn hệ thống tổ chức, tăng cường quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, chú trọng huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm. Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và các cơ quan chức năng phải làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Quốc phòng về kiện toàn hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng các cấp theo hướng gắn kết chặt chẽ nghiên cứu, thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các khối đặt hàng - sản xuất, sửa chữa - khai thác, sử dụng; phối hợp và tận dụng tối đa năng lực các cơ sở công nghiệp dân sinh phục vụ công nghiệp quốc phòng. Trong quá trình triển khai, các cơ quan chức năng cần kịp thời tham mưu cho Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, như: Thông tư ban hành quy chế quản lý sản xuất công nghiệp quốc phòng; Thông tư hướng dẫn chế độ chính sách đối với các đơn vị và người lao động trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; Thông tư về xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng… Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật phối hợp với Cục Quân lực đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng Đề án tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật trong toàn quân theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW. Trước mắt, xác định rõ lộ trình thành lập các tổng công ty đóng tàu theo kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách đặc thù để tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực phát triển công nghiệp quốc phòng; trong đó, chú trọng xác định cơ chế ưu tiên để huy động nguồn lực tài chính, KH-CN và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với chức năng là cơ quan trực tiếp quản lý các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành làm tốt chức năng tham mưu cho Bộ Quốc phòng trong tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình công nghiệp quốc phòng. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kết thúc các dự án chuyển tiếp của Kế hoạch 5 năm (2005 - 2010); ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm và các dự án đầu tư chiều sâu của chương trình công nghiệp quốc phòng đã được phê duyệt. Việc triển khai các dự án phải bảo đảm sự thống nhất trong đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, kiên quyết khắc phục việc đầu tư dàn trải, trùng lặp, gây lãng phí. Những sản phẩm mà trong nước có năng lực sản xuất đạt yêu cầu về chất lượng thì không nhập khẩu; đồng thời, từng bước đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư cho phát triển công nghiệp quốc phòng. Tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và xây dựng; thực hiện đầu tư có chọn lọc, đúng trọng tâm, trọng điểm, tiếp cận được công nghệ tiên tiến, hiện đại và thực hiện có hiệu quả việc nhận chuyển giao công nghệ. Cùng với việc tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án, cần phát huy vai trò thẩm định, phản biện của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu KH-CN, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc tổ chức lập, thẩm định dự án, giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện đầu tư. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư, hoàn thiện công nghệ sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự thiết yếu và nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế của các viện nghiên cứu và một số cơ sở sản xuất vật tư kỹ thuật đặc chủng.
Bốn là, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề tài nghiên cứu KH-CN về thiết kế, chế tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm do công nghiệp quốc phòng sản xuất. Trước hết, cần đẩy mạnh chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó, chú trọng đội ngũ cán bộ KH-CN những ngành đặc thù quốc phòng, các chuyên gia đầu ngành và cán bộ quản lý mà công nghiệp quốc phòng đang thiếu. Kết hợp chặt chẽ các hình thức đào tạo, giữa đào tạo mới và đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo trong và ngoài quân đội; gắn đào tạo, bồi dưỡng với việc chuẩn bị nguồn cán bộ đáp ứng cho nhiệm vụ lâu dài. Mặt khác, cần có chính sách đặc thù để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực có chất lượng cao, khuyến khích nhân tài vào phục vụ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật và các cơ quan có liên quan tiếp tục đột phá nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo, sửa chữa vũ khí, nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật đang sản xuất, sửa chữa, các đề tài phục vụ các chương trình, dự án theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đã được phê duyệt. Tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu với các đơn vị sản xuất; mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng KH-CN dân sinh trong nghiên cứu phục vụ công nghiệp quốc phòng; tăng cường hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, tích cực hội nhập, mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm...
Nhiệm vụ xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng rất nặng nề. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị phải nỗ lực hơn nữa, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Ireland
- Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ
- Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba
- Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào Thi đua Quyết thắng, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”
- Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc