Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Chủ động, trách nhiệm thực hiện tốt nhất công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

11:41 | 26/07/2013

(Bqp.vn) - Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh bất khuất vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kháng chiến chống ngoại xâm, nhân dân ta đã không tiếc máu xương, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hàng vạn người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân hoặc hy sinh một phần xương máu của mình cho Tổ quốc. Sự hy sinh vì nước, vì dân của các chiến sĩ là vô cùng cao quý. Tổ quốc mãi mãi ghi công, nhân dân đời đời biết ơn và tưởng nhớ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”. Người cũng dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.


Trung tướng Đào Duy Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thăm, tặng quà đối tượng chính sách đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tháng 7/2012. (ảnh: Đức Dục)

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt chiều dài xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, gần 70 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng; luôn là lực lượng đi đầu, nêu cao trách nhiệm trong thực hiện công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; chăm lo đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.

Trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công; ban hành các văn bản giải quyết chính sách cho các đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Cam-pu-chia; chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; chế độ, chính sách đối với quân nhân thôi phục vụ tại ngũ, sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần, sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng; các chế độ, chính sách đặc thù quân sự, chính sách động viên, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách đối với các lực lượng làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo; phối hợp đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ; giải quyết việc làm cho con thương binh, bệnh binh nặng… góp phần thiết thực bảo đảm an sinh xã hội; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ LLVT trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những kết quả đó còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chấp nhận hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển và trường tồn của dân tộc.


Lãnh đạo Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) trao quà của Bộ Quốc phòng tặng các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. (ảnh: Đức Dục)

Cùng với việc thực hiện công tác chính sách, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn quân. Các đơn vị quân đội không chỉ là lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện, mà còn chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” liên tục, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, thể hiện sâu sắc trách nhiệm chính trị, nghĩa tình đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ toàn quân.

Những năm qua, toàn quân đã xây dựng được hơn 8.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 4.000 nhà; tạo việc làm cho hơn 2.000 con thương binh, bệnh binh nặng. Thực hiện Chỉ thị 97 của Bộ Quốc phòng, các đơn vị trong toàn quân đã bố trí việc làm cho gần 150 con đẻ của thương binh, bệnh binh nặng đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng. Chỉ tính riêng trong năm 2012, toàn quân đã xây tặng 1.375 căn nhà tình nghĩa, 452 căn nhà đồng đội, 2.141 căn nhà đại đoàn kết, 69 căn nhà vượt lũ, 50 căn nhà mái ấm tình thương; thăm, tặng quà đối tượng chính sách với số tiền hơn 230 tỷ đồng; tặng 12.000 sổ tiết kiệm với số tiền gần 120 tỷ đồng; tặng công cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt cho người có công trị giá 214 tỷ đồng; tặng thiết bị, dụng cụ y tế, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí trị giá hơn 12 tỷ đồng; hỗ trợ địa phương sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp 1.274 nghĩa trang liệt sĩ trị giá hàng chục tỷ đồng…


Trung tướng Đào Duy Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng đoàn công tác viếng các anh hùng liệt sĩ tại Đài liệt sĩ ở huyện đảo Trường Sa. (ảnh: Lê Quý Hoàng)

Các phong trào, cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa” do các đơn vị quân đội khởi xướng, tổ chức có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thu hút được nhiều người tham gia, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thông qua thực hiện, hàng nghìn hộ đồng bào nghèo ở địa bàn biên giới, hải đảo; đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách trên khắp cả nước đã có nhà ở ổn định; nhiều công trình dân sinh như xây cầu, làm đường, xây trường học, bệnh xá quân dân y kết hợp được triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng, góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đẩy nhanh mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới; tạo môi trường thuận lợi để đất nước phát triển… Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đặc biệt việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Cam-pu-chia đã đạt được những kết quả rất to lớn và thiết thực.

Trong những năm tới, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước tiếp tục phát triển với nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức mới. Để tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, với trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng sau đây:

- Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 523/CT-QUTW, ngày 2/12/2011 của Quân ủy Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2011-2015. Cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện tốt công tác chính sách nói chung, công tác thương binh, liệt sĩ, hậu phương quân đội nói riêng. Qua công tác tuyên truyền làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân thấy rõ giá trị to lớn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác chính sách, công tác thương binh, liệt sĩ, hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là đạo lý của mỗi người trong xã hội đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh, nhằm tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới.


Trung tướng Đào Duy Minh tặng quà đối tượng chính sách ở An Khê, Gia Lai. (ảnh: Phan Tiến Dũng)

- Hai là, bám sát thực tiễn, tình hình của đất nước, quân đội, tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, ưu đãi người có công; chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với tiến trình cải cách chính sách xã hội của Nhà nước và đặc điểm của quân đội là “ngành lao động đặc biệt”. Hướng nghiên cứu, đề xuất cần ưu tiên, bổ sung chế độ, chính sách đối với các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù, nhiệm vụ mới, cán bộ, nhân viên công tác ở những địa bàn chiến lược, biên giới, biển đảo; chính sách thu hút, khuyến khích người tài, có nhiều cống hiến, cán bộ khoa học, đội ngũ thợ lành nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ trong quân đội. Cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một số chính sách thời gian qua, phổ biến, nhân rộng cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; phát huy dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện các chế độ, chính sách.

- Ba là, tiếp tục phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” sâu rộng trong toàn quân, cùng toàn dân chăm sóc người có công với nước, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”, làm cho mỗi gia đình người có công “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội”, như Bác Hồ đã căn dặn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Chủ động khảo sát, đề xuất Bộ Quốc phòng xây nhà tình nghĩa tặng đối tượng thương binh, bệnh binh nặng từ 81% trở lên đang điều dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng thương binh trên toàn quốc có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng năm 2013 theo Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH 13; hỗ trợ một cách thiết thực cả về vật chất và tinh thần đối với các trung tâm điều dưỡng thương binh.

- Bốn là, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi đóng quân thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách; tích cực tham gia và làm tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị và việc xác định danh tính liệt sĩ theo đề án đã được Bộ Chính trị thông qua; thông báo và tạo điều kiện cho các gia đình người thân đến thăm viếng thuận lợi.

- Năm là, quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và con em của các đối tượng chính sách, giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần, trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 97/CT-BQP ngày 18/7/2011 của Bộ Quốc phòng về giải quyết việc làm cho con đẻ thương binh, bệnh binh nặng ở các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh trên cả nước. Thường xuyên quan tâm chăm lo động viên cả về vật chất và tinh thần đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh theo đúng quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là những hoạt động thể hiện sâu sắc truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hiếu nghĩa bác ái của dân tộc Việt Nam. Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong tình hình mới. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần nêu cao trách nhiệm, cùng với toàn dân tổ chức phong phú, sâu rộng các phong trào, các hoạt động thiết thực, hiệu quả, có giá trị nhân văn sâu sắc, tôn vinh và tri ân công ơn to lớn đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với nước đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Triển khai thực hiện hiệu quả những vấn đề nói trên không chỉ là trách nhiệm, là tình cảm và sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ toàn quân đối với thương binh, bệnh binh; các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng; mà còn là việc làm thiết thực theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp cho xứng đáng”.

File đính kèm:

Trung tướng Đào Duy Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (Nguồn: Báo QĐND)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.