Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), Quân khu 3 đẩy mạnh công tác quân sự, quốc phòng

10:43 | 04/05/2013

(Bqp.vn) - 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” trên địa bàn Quân khu 3 đã đem lại những kết quả quan trọng cả về nhận thức lẫn chất lượng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế qua tổng kết đã chỉ ra, Quân khu đang đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác quân sự, quốc phòng bằng nhiều giải pháp đồng bộ.


Luyện tập đánh chiếm mục tiêu.

Chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 85-CT/QU, ngày 29/6/2012 của Quân ủy Trung ương, cuối năm 2012, Đảng ủy Quân khu 3 đã tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Hội nghị đã đánh giá toàn diện việc tổ chức quán triệt [1], thực hiện Nghị quyết của lực lượng vũ trang Quân khu, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn trong 10 năm qua (2003 - 2012); đồng thời, xác định chủ trương, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Qua tổng kết, khẳng định kết quả nổi bật đạt được là, nhận thức của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với nhiệm vụ vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế từng bước được nâng lên. Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (QP-AN) cho các đối tượng được đẩy mạnh, đi vào nền nếp. Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với tăng cường QP-AN và đối ngoại trên địa bàn ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng toàn diện; tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường. Khu vực phòng thủ các tỉnh (thành phố) được xây dựng theo chiều sâu ngày càng vững chắc. Việc xây dựng, điều chỉnh lực lượng, phương án tác chiến, bố trí thế trận phòng thủ có sự phát triển phù hợp với tình hình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, nhất là trên tuyến biên giới, ven biển và ngoài biển, đảo. Chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng SSCĐ của lực lượng vũ trang Quân khu không ngừng được nâng lên, đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên địa bàn, góp phần quan trọng cùng cả nước bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH trên địa bàn Quân khu.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ vệ Tổ quốc còn hạn chế. Chất lượng xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) ở một số địa phương chưa đồng đều; xây dựng tiềm lực quốc phòng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trên một số địa bàn còn chưa chặt chẽ, thiếu chiều sâu. Chất lượng tổng hợp, khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang có mặt còn hạn chế.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực, nhất là trên Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Trên địa bàn Quân khu, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vấn đề an ninh nông thôn, thiên tai, dịch bệnh có những diễn biến khó lường, đã và đang tác động trực tiếp đến công tác QP-AN của Quân khu. Thực tiễn QP-AN trên địa bàn cũng đặt ra những vấn đề mới phải tập trung giải quyết. Tình hình đó đòi hỏi các cơ quan, đơn vị và địa phương trong toàn Quân khu phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục QP-AN cho cán bộ, đảng viên và toàn dân trên địa bàn. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) cho thấy, Quân khu và cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đã coi trọng và có nhiều đổi mới về cách làm, xuất hiện nhiều mô hình, kinh nghiệm hay đối với công tác này. Nhưng bên cạnh đó, cũng tồn tại những yếu kém cần khắc phục, nhất là nhận thức về đối tượng, đối tác; về phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN và về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ gắn với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Vì vậy, trong thời gian tới, Quân khu tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục QP-AN nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ QP-AN. Điều quan trọng là, trong quá trình thực hiện phải tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp, nhất là của người đứng đầu, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, sát với thực tiễn của từng địa phương, cơ sở. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, hình thức và phương pháp cho phù hợp với từng đối tượng; thực hiện giáo dục toàn diện, bảo đảm chất lượng, số lượng, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào đối tượng chủ yếu là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và học sinh, sinh viên. Những năm qua, Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện (theo phân cấp) có hiệu quả công tác giáo dục QP-AN cho các đối tượng theo quy định. Năm 2012, đã tổ chức 1.171 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho hơn 113.800 lượt cán bộ, đảng viên; trong đó, đối tượng 2: 4 lớp cho 334 cán bộ, đối tượng 3: 35 lớp cho 3.181 cán bộ và 3 lớp cho 349 chức sắc, chức việc các tôn giáo…; giáo dục QP-AN cho hơn 585.800 học sinh, sinh viên của 506 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp - dạy nghề và trung học phổ thông đạt loại khá. Thời gian tới, trên cơ sở kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị và Quy định số 07-QĐ/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về “Tiêu chuẩn kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên”, Quân khu sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình, mở rộng diện giáo dục QP-AN gắn với đặc thù của từng địa phương, cơ sở, như: cán bộ cơ sở, phóng viên báo, đài và chủ hộ gia đình tiêu biểu ở vùng biên giới, biển, đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, chỉ đạo tập trung kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp; đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; coi trọng đầu tư cả về con người (đội ngũ giáo viên), cơ sở vật chất cho giáo dục QP-AN...

Hai là, coi trọng xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) ngày càng vững chắc, làm cơ sở xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Xuất phát từ đặc điểm địa bàn Quân khu bao gồm các tỉnh nội địa, biên giới và vùng biển, đảo Đông Bắc rộng lớn, với gần 2.000 hòn đảo lớn, nhỏ nằm từ xa đến gần bờ, nên khi có tình huống xảy ra dễ bị chia cắt, cô lập. Do đó, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) “cơ bản, liên hoàn, vững chắc” là bảo đảm quan trọng để phát huy nội lực, độc lập bảo vệ địa phương, cơ sở cả trong thời bình và thời chiến. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Quân khu tập trung chỉ đạo các địa phương xây dựng khu vực phòng thủ theo hướng vững toàn diện, mạnh ở trọng điểm, gắn với địa bàn, đủ sức tự mình giải quyết có hiệu quả các tình huống về QP-AN. Trước hết, chú trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần vững mạnh, coi đó là cơ sở, nền tảng để xây dựng các tiềm lực khác của khu vực phòng thủ; trên cơ sở đó, tiếp tục chỉ đạo hoàn thành quy hoạch về triển khai xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) và các huyện trọng điểm theo chỉ thị của Bộ. Trong đó, tập trung đầu tư nguồn lực để từng bước xây dựng các công trình phòng thủ thiết yếu, như: công trình chiến đấu, công trình phòng thủ ven biển, trên các đảo, đường hầm, sở chỉ huy… Đồng thời, chủ động rà soát, bổ sung hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án tác chiến ở tất cả các cấp. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, diễn tập tác chiến trị an, diễn tập phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… Qua đó, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý QP-AN; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp trong việc giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ, nhất là những phức tạp nổi cộm về QP-AN ở địa phương, cơ sở, không để xảy ra diễn biến xấu. Từ kinh nghiệm tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ của các địa phương trên địa bàn Quân khu trong những năm qua, nhất là diễn tập của tỉnh Hòa Bình năm 2012, Quân khu sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới công tác diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện theo hướng chất lượng, hiệu quả, thiết thực, an toàn, tiết kiệm; gắn diễn tập với xây dựng địa bàn, xây dựng nông thôn mới, góp phần củng cố thế trận phòng thủ ngày càng vững chắc. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng quân sự, công an và biên phòng (đối với các địa phương biên giới, ven biển) theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm đi vào chiều sâu, ngay từ cơ sở, nhằm quản lý và bảo vệ vững chắc địa bàn nội địa, chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo trong mọi tình huống. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án kinh tế - quốc phòng: Bình Minh 1, 2, 3 (Ninh Bình); Cồn Xanh (Nam Định); Bắc Hải Sơn (Quảng Ninh)… góp phần phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN trên các địa bàn trọng điểm của Quân khu.

Ba là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, trình độ SSCĐ ngày càng cao, thực sự làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trên cơ sở tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), Quân khu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; trong đó, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và trình độ SSCĐ. Trong quá trình thực hiện, chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp cả lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ; coi trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động của cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ được giao. Bên cạnh bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện, phải làm tốt việc định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho mọi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhất là khi có các diễn biến phức tạp nảy sinh; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; đồng thời, kiên quyết đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch hòng thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, giữ vững và tăng cường trận địa tư tưởng của Đảng trong các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu.

Cùng với đó, Quân khu tập trung chỉ đạo tạo bước đột phá trong chấn chỉnh tổ chức biên chế theo quy định của Bộ Quốc phòng, bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ, cân đối giữa các lực lượng. Trong đó, ưu tiên bảo đảm đủ quân số và chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và vũ khí trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ và lực lượng làm nhiệm vụ ở địa bàn trọng điểm, biên giới, biển, đảo. Đồng thời, coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu cho các đơn vị thường trực theo hướng bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; diễn tập sát thực tế, đối tượng và địa bàn hoạt động; tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao trình độ làm chủ vũ khí trang bị, nhất là vũ khí trang bị mới cho bộ đội. Tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại, diễn tập vòng tổng hợp, diễn tập chỉ huy - cơ quan các cấp và diễn tập tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng; gắn huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, nâng cao khả năng cơ động SSCĐ. Trong huấn luyện, chú trọng bồi dưỡng năng lực tổ chức chỉ huy và kỹ năng thực hành cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp, bảo đảm 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp. Từ thành công cuộc diễn tập ĐB-2011 của Quân khu, tiếp tục nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng vũ trang Quân khu với các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn; giữa các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và các lực lượng khác trong thế trận phòng thủ Quân khu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ địa bàn trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phong trào Thi đua Quyết thắng, hướng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, tạo ra nhiều điểm sáng, nét mới, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

[1] - Tổ chức quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX): quân số đạt 98,8%; trong đó, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp đạt 100%.

File đính kèm:

Trung tướng Phạm Quang Hợi, Tư lệnh Quân khu 3

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.