Web Content Viewer
ActionsĐẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là thiết thực góp phần hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, quân sự
(Bqp.vn) - Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương nhất quán và lâu dài của Đảng, Nhà nước ta; là yêu cầu khách quan trong hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-tài chính. Đây là vấn đề cần được nhận thức đầy đủ, sâu rộng không chỉ trong lĩnh vực chi tiêu, sử dụng nguồn lực xã hội mà còn cả trong cách thức xem xét nội dung, mức độ huy động các nguồn lực.
Thượng tướng Lê Hữu Đức kiểm tra công tác quản lý xăng, dầu tại Kho VK102. (ảnh: Đức Minh)
Những năm qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức triển khai thực hiện khá tốt. Kết quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã mang lại hiệu quả thiết thực và trở thành phong trào với những nét văn hóa tốt đẹp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Bí thư Trung ương, tình hình lãng phí vẫn còn xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn… Có thể thấy rằng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, với nhiều giải pháp, biện pháp tích cực của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân tiếp tục đẩy mạnh phong trào thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí với nhiều tỷ đồng phục vụ tăng khả năng cân đối các yêu cầu nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đều chú ý hiệu quả chi tiêu và có nhiều biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý, bảo quản, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, tài sản, vũ khí, trang bị, kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng các mặt công tác, tăng cường khả năng SSCĐ của quân đội. Đặc biệt cán bộ, nhân viên Ngành Tài chính quân đội luôn phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, người chỉ huy các cấp tích cực nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành ngân sách, quản lý tài sản phù hợp với tình hình thực tế, hướng mạnh vào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, tham mưu đề xuất triển khai các cơ chế, chính sách về tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xã hội hóa trong bảo đảm tài chính theo hướng tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, giảm chi cho ngân sách quốc phòng.
Trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân phải nhận rõ khó khăn, nắm bắt khả năng bảo đảm, kiểm soát chặt chẽ từ khâu xem xét phân bổ ngân sách, giữ đúng định hướng, tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo thứ tự ưu tiên, cân đối vững chắc, toàn diện, ngày càng nâng cao tiềm lực quốc phòng; đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, diễn tập, nhiệm vụ biển đảo, biên giới, thao trường, bãi tập, giáo dục-đào tạo; bảo đảm đời sống, chính sách,…; tích cực huy động thêm nguồn thu, nâng cao khả năng đáp ứng các nhiệm vụ đột xuất được giao.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành luôn chú trọng công tác kiểm soát thu và chi ngân sách, duyệt giá mua sắm, quản lý chặt chẽ mọi nguồn thu, có nhiều giải pháp hiệu quả, bảo đảm chi tiêu chặt chẽ, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Điều lệ công tác Tài chính QĐND Việt Nam; các chính sách, chế độ, định mức, tiêu chuẩn; bảo đảm đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.
Trong quản lý đầu tư và xây dựng, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; bảo đảm tiết kiệm trong đầu tư và xây dựng. Tiếp tục đẩy nhanh quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, qua thực hiện kế hoạch thẩm tra quyết toán các dự án, công trình hoàn thành; giảm chi đáng kể cho ngân sách. Công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp đã kết hợp các giải pháp tăng cường quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản; có nhiều biện pháp để giải quyết tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí quản lý, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Ngành Tài chính phối hợp chặt chẽ với các ngành tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt, tiêu dùng, thực hiện công khai minh bạch trong các lĩnh vực, như chế độ, chính sách; công khai việc mua sắm tài sản công, tài sản doanh nghiệp… phù hợp với đặc điểm cơ quan, đơn vị mình.
Phát huy những kết quả đạt được từ phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/12/2012, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Chỉ thị số 101/CT-BQP về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 101/CT-BQP trong toàn quân.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Bộ trưởng và Chương trình hành động về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục chủ động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục theo các quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Ban Bí thư; Chỉ thị số 30/CT-TTg về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Thủ tướng Chính phủ. Qua tuyên truyền, giáo dục tiếp tục làm cho mọi cán bộ, công nhân viên quốc phòng, chiến sĩ nhận thức sâu sắc hơn quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tạo sự đồng thuận với chủ trương, biện pháp của Đảng, Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý điều hành kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững mục tiêu ổn định, phát triển đất nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần nâng cao tính chủ động, ý thức trách nhiệm, cùng cơ quan, đơn vị quản lý, minh bạch trong sử dụng ngân sách, củng cố kỷ luật tài chính, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản Nhà nước, quân đội. Trong tiến hành các nội dung, giải pháp cần bảo đảm tính toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản; mua sắm tài sản và các lĩnh vực chi thường xuyên khác.
Trong quá trình xây dựng, phân bổ ngân sách đi sâu cân đối, xác định các trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên; cân đối giữa yêu cầu, nhiệm vụ với khả năng ngân sách Nhà nước, khả năng thực hiện. Từ đó xác định phương án phân bổ ngân sách phù hợp, kịp thời giao chỉ tiêu thu, chi đến các đơn vị cơ sở. Chỉ tiêu ngân sách được giao mang tính pháp lệnh cao và có tính thực tiễn để các ngành, đơn vị, doanh nghiệp quán triệt, tổ chức thực hiện chỉ tiêu thu, nộp và thực hiện chi tiêu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tiết kiệm, hiệu quả cao.
Đối với đầu tư và xây dựng, cần tăng cường thực hành tiết kiệm, khắc phục tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư từ khâu chủ trương, xây dựng quy hoạch, kế hoạch; chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật, theo dõi thầu; tổ chức thực hiện đấu thầu, theo dõi, giám sát đánh giá đầu tư theo quy định.
Tiếp tục quản lý chặt chẽ tài sản công, rà soát diện tích đất đai, trụ sở làm việc, trang bị, ô tô theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định để có biện pháp bố trí, sắp xếp lại cho hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng. Thực hiện tốt các quy định về đấu thầu, duyệt giá khi mua sắm, sản xuất các trang bị, phương tiện, hàng hóa, sản phẩm quốc phòng. Đối với doanh nghiệp, cần rà soát định mức kinh tế kỹ thuật, đề ra các biện pháp tiết kiệm chi phí (trong đó, riêng chi phí quản lý phải giảm 10% so với năm 2012), nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Các lĩnh vực thường xuyên khác, thực hiện tiết kiệm tối đa, có thể khoán chi đối với một số nội dung nghiệp vụ hành chính; phấn đấu tiết kiệm từ 5 đến 10% chi phí hội họp, triệt để tiết kiệm trong sử dụng xăng dầu, điện, nước, công tác phí…
Để triển khai đạt kết quả thiết thực, toàn quân cần tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ, phân cấp và điều hành ngân sách phù hợp quy định của Nhà nước; nâng cao trách nhiệm của chủ tài khoản, đơn vị thụ hưởng ngân sách; tăng cường huy động, quản lý chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản phục vụ nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất phát sinh. Chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng lập, chấp hành và quyết toán ngân sách; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở tất cả các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp; quản lý, sử dụng hiệu quả tài chính ngân sách và các nguồn kinh phí, tăng khả năng đáp ứng cho các mục tiêu, nhiệm vụ; nắm chắc biến động của thị trường, giá cả; nhạy bén, linh hoạt trong điều hành kinh phí ngân sách, ngoại tệ sát với yêu cầu, nhiệm vụ…
Toàn quân tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung ban hành các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật; các chế độ, chính sách; chế độ quản lý trong các lĩnh vực… đúng với quy định của Nhà nước, phù hợp với đặc thù hoạt động quốc phòng, quân sự. Các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm quy định về công khai trong các lĩnh vực bắt buộc phải công khai; Tăng cường công tác giám sát, giám đốc trước, trong và sau chi tiêu, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực như: Quản lý sử dụng đất đai, tài sản công; chi tiêu kinh phí ngân sách, mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ bản; hoạt động sản xuất kinh doanh...
Tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan thông tấn, báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền về chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho bộ đội. Kết hợp chặt chẽ đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nội dung bình xét thi đua khen thưởng để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm của các tập thể và cá nhân. Kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chấn chỉnh, xử lý kịp thời, kiên quyết những biểu hiện tham ô, tham nhũng, lãng phí.
Yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự ngày càng cao. Thực tiễn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân để Chỉ thị số 101/CT-BQP của Bộ trưởng và Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, quân sự năm 2013 và những năm tiếp theo.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Ireland
- Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ
- Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba
- Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào Thi đua Quyết thắng, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”
- Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc