Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong quân đội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI)

02:10 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Vừa qua, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Để đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao, Bộ Chính trị có Chỉ thị và Kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn quốc; Quân ủy Trung ương đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của Nghị quyết, nhằm tạo bước chuyển biến căn bản về công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới.


Đại tướng Phùng Quang Thanh chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 - khóa XI (Ảnh: QĐND).

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) được ban hành ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Điều đó đã khẳng định quyết tâm cao của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với phương châm: nhìn thẳng vào sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh, Nghị quyết đã chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp thiết thực để tiếp tục xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thành công sự nghiệp CNH,HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời, thể hiện tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc của Ban Chấp hành Trung ương. Chính vì vậy, Nghị quyết đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi và kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và các tầng lớp nhân dân.

Là một bộ phận của toàn Đảng, có số lượng đảng viên đông, với nhiều loại hình tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), Đảng bộ Quân đội có vai trò rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng bộ Quân đội, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, đóng vai trò quyết định đến sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội; đồng thời, bảo đảm cho các đường lối, quan điểm, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân được thực hiện có hiệu quả. Vì thế, việc thường xuyên quan tâm xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ sức lãnh đạo toàn quân hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao luôn là đòi hỏi khách quan, là trách nhiệm chính trị của mọi cấp ủy, tổ chức đảng, cũng như của mọi CB, ĐV trong Đảng bộ Quân đội. Bởi vậy, sau khi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ban hành, Quân ủy Trung ương đã coi đây là dịp để Đảng bộ Quân đội tự nhìn lại mình, đánh giá đúng thực trạng chất lượng các TCCSĐ và đội ngũ CB, ĐV; trên cơ sở đó, đề ra các chủ trương, biện pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong Đảng bộ Quân đội. Việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là một bảo đảm quan trọng để khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận CB, ĐV trong Đảng bộ Quân đội; nâng cao vai trò của cấp ủy, TCCSĐ trong lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ; đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, những năm qua, Đảng bộ Quân đội luôn tuân thủ và giữ vững nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; có nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Công tác xây dựng Đảng bộ về chính trị, tư tưởng và tổ chức được thực hiện nghiêm túc và duy trì thành nền nếp, nên trước mọi diễn biến của tình hình, tuyệt đại đa số CB, ĐV đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, trưởng thành về mọi mặt, luôn nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, tư cách đảng viên. Các TCCSĐ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, chấp hành nghiêm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; nhất là nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, “tự phê bình và phê bình”, thực sự là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản; được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo cương vị, chức trách. Công tác cán bộ thực hiện đúng quan điểm, nguyên tắc của Đảng; tập trung giải quyết yêu cầu về số lượng, nâng cao chất lượng và bảo đảm về cơ cấu. Công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào kiểm tra CB, ĐV có dấu hiệu vi phạm; góp phần ngăn ngừa vi phạm kỷ luật Đảng, kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước và các biểu hiện tiêu cực khác. Phong cách lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp có đổi mới theo hướng dân chủ, sát thực tế. Bởi vậy, qua phân tích hằng năm, chất lượng các TCCSĐ và đảng viên không ngừng nâng lên; riêng năm 2011, toàn Đảng bộ có 84,61% tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh, tăng 1,52% so với năm 2010; 78,38% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có 11,81% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tăng 1,19% so với năm 2010. Những thành công trong công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội thời gian qua đã góp phần quyết định vào việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo đảm Quân đội ta thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế. Một số CB, ĐV có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí… Hiệu quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa cao, tính lan tỏa chưa thật sâu rộng. Một số TCCSĐ chưa nắm vững chức năng, nhiệm vụ, phạm vi lãnh đạo, nên vẫn còn biểu hiện bao biện, làm thay; năng lực quán triệt, cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của trên còn hạn chế; phân công thực hiện thiếu cụ thể nên trách nhiệm cá nhân không rõ; chưa chủ động, nhạy bén hoặc lúng túng khi giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh. Việc nhận xét, đánh giá chất lượng cấp ủy, TCCSĐ, đội ngũ CB, ĐV có nơi chưa thực chất; tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng nhìn chung còn hạn chế. Công tác quản lý, rèn luyện đảng viên ở một số TCCSĐ chưa chặt chẽ. Công tác quy hoạch cán bộ có nơi chưa chủ động, dẫn đến sự hẫng hụt, không đồng bộ trong bố trí, phân công cán bộ; việc đánh giá, sử dụng cán bộ có nơi chưa thật công tâm, khách quan, chưa đúng năng lực, không vì công việc. Thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” có nơi còn hình thức; không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, nên khi xảy ra sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm… Nguyên nhân của những thiếu sót, khuyết điểm trên là do một số cấp ủy, TCCSĐ chưa quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và chấp hành nghiêm nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Việc quán triệt các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự của một số cấp ủy, chỉ huy còn hạn chế. Vai trò tham mưu, đề xuất của một số cơ quan; tính tiền phong, gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ chủ trì các cấp chưa được phát huy đầy đủ; tổ chức quản lý, điều hành chưa chủ động, thiếu sáng tạo và kiên quyết… Những khuyết điểm, yếu kém trên thuộc trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy và cơ quan các cấp.

Hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình thế giới và khu vực cũng còn diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt chống phá cách mạng nước ta. Đối với Quân đội, chúng âm mưu thúc đẩy sự tự “chuyển hóa”, tự “diễn biến” trong nội bộ CB, ĐV và chiến sĩ, hòng “phi chính trị” hóa Quân đội ta. Bên cạnh đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước cũng đang đặt ra yêu cầu phải xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tất cả những điều đó đòi hỏi phải tăng cường xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ sức lãnh đạo toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để tăng cường xây dựng Đảng bộ Quân đội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trong thời gian tới cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, cấp ủy các cấp, trực tiếp là bí thư cấp ủy, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt việc học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, Quân ủy Trung ương và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ở cấp mình. Qua học tập, quán triệt, phải làm cho mọi CB,ĐV và các tổ chức quần chúng nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết; những công việc cần làm theo Chỉ thị, Kế hoạch, Hướng dẫn của Trung ương và Quân ủy Trung ương; những vấn đề trọng tâm xuyên suốt và cấp bách nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Từ đó, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và trách nhiệm; tạo cơ sở cho sự thống nhất về ý chí và hành động của từng cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi CB, ĐV trong thực hiện Nghị quyết. Từng cấp ủy cần nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay; phải lường trước được những phức tạp, khó khăn trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, do va chạm đến lợi ích cá nhân, đòi hỏi tính tự giác, trung thực, tính Đảng, tính chiến đấu của các TCCSĐ và mỗi CB, ĐV. Trong nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, các cấp cần vận dụng nhiều hình thức phong phú, cụ thể; bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, không phô trương, hình thức hoặc làm lấy lệ. Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tổ chức học tập, nắm vững Quy định về những điều đảng viên không được làm; gắn việc thực hiện Nghị quyết với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đó là việc làm thường xuyên, hằng ngày và là trách nhiệm cụ thể, thiết thân của mỗi CB, ĐV. Trong quá trình thực hiện, các cấp cần kết hợp giữa giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao lập trường, quan điểm, trình độ trí tuệ, năng lực thực tiễn với rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tư cách đảng viên; khắc phục cho được mọi biểu hiện trung bình chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, mơ hồ mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu, chạy theo danh lợi, địa vị, tiền tài, đặc quyền, đặc lợi và những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; bảo đảm không có CB, ĐV suy thoái về chính trị; giữ vững và tăng cường trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Hai là, tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 ở tất cả các cấp, góp phần khắc phục có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà Nghị quyết đã chỉ ra. Đây là khâu mấu chốt nhất để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng hiện nay. Nhiệm vụ này đòi hỏi mỗi CB, ĐV phải tự giác, trung thực tự phê bình bản thân mình; phải công tâm, chân thành khi phê bình đồng chí khác. Nếu không thật tự giác, trung thực, chân thành, công tâm sẽ dẫn đến chủ quan, chỉ thấy mình toàn ưu điểm mà không thấy có khuyết điểm; với người khác, lại chỉ thấy khuyết điểm mà không thấy ưu điểm. Bởi vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tổ chức đợt sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình thật nghiêm túc, bảo đảm thật sự dân chủ, thẳng thắn; quá trình tiến hành phải theo đúng yêu cầu, nội dung, cách làm, thời gian đã được Quân ủy Trung ương xác định. Theo đó, cấp trên làm gương tự phê bình trước, cấp dưới làm sau; tập thể làm trước, cá nhân làm sau; các đồng chí trong thường vụ, cấp ủy viên cấp trên gương mẫu, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, làm gương cho cấp dưới… Nội dung tự phê bình và phê bình phải toàn diện, song tập trung vào 3 vấn đề mà Nghị quyết đã nêu. Thứ nhất là, về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng CB, ĐV suy thoái. Thứ hai là, những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ; tình trạng một số trường hợp bố trí cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến cơ quan lãnh đạo, quản lý, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Thứ ba là, những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là của người đứng đầu… Trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Khi tiến hành tự phê bình và phê bình, từng tổ chức đảng và mỗi CB, ĐV phải gắn với nhiệm vụ, chức trách được giao; nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh; đồng thời, phải đề ra được các biện pháp khắc phục bảo đảm tính thiết thực, khả thi. Để tự phê bình và phê bình đạt mục đích, yêu cầu đề ra, các cấp ủy và tổ chức đảng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, “chống để xây”; nói đi đôi với làm, nhận thức gắn với hành động; tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc nhất hiện nay; phải kiên trì, bình tĩnh, không nóng vội, nhưng không để rơi vào tình trạng trì trệ, hình thức, chậm chuyển biến tình hình. Đồng thời, quán triệt quan điểm “Kiểm điểm tự phê bình và phê bình là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài; các cấp ủy, tổ chức đảng, từng đảng viên phải tự giác xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, không trông chờ đến khi tổ chức hội nghị kiểm điểm, không chờ sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách”.

Ba là, tập trung xây dựng các TCCSĐ trong sạch, vững mạnh; chấp hành nghiêm các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, nhất là nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Cần hết sức coi trọng công tác xây dựng TCCSĐ ở các đơn vị đủ quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, ở cơ quan chiến dịch, chiến lược và đơn vị làm kinh tế; kịp thời kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các TCCSĐ phù hợp với yêu cầu điều chỉnh tổ chức, lực lượng; gắn xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cấp ủy với xây dựng cán bộ chủ trì. Cấp ủy các cấp cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý, rèn luyện, phát triển đảng viên; phấn đấu giảm tỷ lệ TCCSĐ yếu kém và đảng viên vi phạm tư cách xuống dưới 0,5%. Các TCCSĐ phải duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy định thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ” của cấp ủy các cấp; nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và hiệu lực của tổ chức chỉ huy. Việc đổi mới phong cách và phương pháp, tác phong công tác lãnh đạo của TCCSĐ phải theo hướng giảm bớt hội họp, bám sát cơ sở; thực hiện làm việc theo quy chế, phân công, phân cấp hợp lý; khắc phục tình trạng giản đơn, ỷ lại, nói không đi đôi với làm, làm không đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, cần có cơ chế xác định rõ vai trò lãnh đạo của tập thể, quyền hạn, trách nhiệm cá nhân, nhất là cán bộ chủ trì các cấp; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và thực hiện nghiêm các quy chế, quy định trên các lĩnh vực công tác trọng yếu; gắn đánh giá hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của tập thể cấp ủy với vai trò cá nhân bí thư cấp ủy, chỉ huy đơn vị. Các cấp cần tăng cường dân chủ trong sinh hoạt đảng, phát huy trí tuệ tập thể, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.     

Bốn là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), toàn quân tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch; có số lượng và cơ cấu hợp lý; có năng lực lãnh đạo, chỉ huy tốt; trình độ, kiến thức chuyên môn ngày càng cao; có uy tín trong tập thể, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng, chiến đấu của Quân đội trong tình hình mới. Để đạt được yêu cầu đó, công tác cán bộ phải tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan; việc bố trí, sắp xếp cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị phải phù hợp với phẩm chất, năng lực và yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải theo chức vụ gắn với trình độ học vấn tương ứng; kết hợp đồng bộ nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, trong đó đào tạo cán bộ có trình độ đại học là chủ yếu; thực hiện đồng bộ các chế độ, chính sách, nhằm động viên, khuyến khích, thu hút cán bộ, nhất là những người công tác ở ngành đặc thù, độc hại, nguy hiểm, nơi khó khăn, gian khổ. Cấp ủy các cấp cần tập trung khắc phục dứt điểm những hạn chế, thiếu sót trong công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, sử dụng cán bộ.   

Năm là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Nhằm ngăn ngừa tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tiêu cực khác, cấp ủy các cấp cần thực hiện đồng bộ công tác kiểm tra và công tác giám sát, theo phương châm: giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh kiểm tra, giám sát theo nội dung, kế hoạch đã xác định, cần coi trọng kiểm tra, giám sát những đảng viên vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm khuyết điểm; giải quyết tốt đơn, thư tố cáo, khiếu nại của đảng viên và tổ chức đảng; phát huy vai trò của các đoàn thể, quần chúng, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ CB,ĐV.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong Quân đội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng; đồng thời, cũng là của mọi CB, ĐV và quần chúng. Thực hiện tốt vấn đề đó, sẽ là bảo đảm quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

File đính kèm:

Thượng tướng NGÔ XUÂN LỊCH - Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (Tạp chí QPTD, số 4/2012)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.