Web Content Viewer
ActionsNâng cao trách nhiệm, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ
(Bqp.vn) - Ngày 9/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg về chế độ chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (sau đây gọi tắt là Quyết định 62). Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ là sự cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 62 nhằm tiếp tục ghi nhận và tôn vinh những người có công đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thể hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta, nhân dân ta và có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc.
Trung tướng Đào Duy Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (thứ ba từ phải sang) trao đổi kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Quyết định 62 với Ban Chỉ đạo 24 Quân khu 3. (ảnh: Đức Dục)
Quán triệt quan điểm và tinh thần nêu trên của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong cả nước đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu thu được những kết quả rất tích cực. Tuy chỉ mới triển khai trong thời gian hơn một năm, nhưng đến nay đã có hơn 274.000 đối tượng trong tổng số 1,2 triệu đối tượng thuộc diện thụ hưởng chế độ theo Quyết định 62 được giải quyết, tạo dư luận tốt trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế phát triển, củng cố và tăng cường mối đoàn kết thống nhất, xây dựng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Nhìn lại những khó khăn trong phát triển kinh tế của đất nước năm 2012 vừa qua, chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ. Những kết quả đạt được nói trên thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng. Trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, Đảng, Nhà nước đã dành một khoản ngân sách không nhỏ bảo đảm việc chi trả chế độ cho các đối tượng được thụ hưởng theo Quyết định 62; thể hiện rõ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và phát huy cao nhất giá trị nhân văn, truyền thống đạo lý của dân tộc đối với các thế hệ người Việt Nam đã không tiếc máu xương, công sức, tiền của hiến dâng cho Tổ quốc, cho dân tộc. Hơn 274.000 đối tượng chưa phải thật nhiều so với 1,2 triệu đối tượng thuộc diện được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 62, nhưng đặt trong hoàn cảnh ấy, cùng những khó khăn khách quan do lịch sử để lại mới thấy hết sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo 24 các cấp trong triển khai thực hiện chủ trương này. Bởi, theo số liệu khảo sát của cơ quan chức năng, trong tổng số 1,2 triệu đối tượng thuộc diện thụ hưởng chế độ theo Quyết định 62 thì chỉ có khoảng 35% có giấy tờ gốc; 30% số đối tượng có giấy tờ liên quan; số không có giấy tờ chiếm khoảng 35%. Đây là một khó khăn khách quan rất lớn trong triển khai thực hiện việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ, ra quyết định chi trả chế độ theo Quyết định 62 của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp thời gian qua. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm có được sau nhiều lần triển khai thực hiện tốt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, nhất là Quyết định 142, Ban Chỉ đạo 24 và cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các đơn vị, địa phương đã chủ động, tích cực và triển khai đồng bộ các giải pháp, mang lại hiệu quả thiết thực.
Chi trả chế độ theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ ở huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. (ảnh: Lê Duy Thành)
Có được những kết quả nêu trên, qua kiểm tra thực tế việc triển khai thực hiện Quyết định 62, Ban Chỉ đạo 24 Bộ Quốc phòng nhận thấy: Cấp ủy, chính quyền, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quán triệt, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Quốc phòng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn hết sức đồng bộ, tạo điều kiện để các địa phương triển khai thực hiện thuận lợi nhất. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 24 Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo các cấp đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ; tăng cường cán bộ phụ trách cụ thể từng địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp triển khai thực hiện. Ở phạm vi toàn quốc, Bộ Quốc phòng quyết định chọn Quân khu 9 triển khai làm điểm, rút kinh nghiệm để các địa phương triển khai thực hiện. Ở từng địa phương, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã lựa chọn đơn vị làm điểm. Từ những đơn vị làm điểm, ban chỉ đạo các cấp đã có nhiều kinh nghiệm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện ở từng khâu, từng bước, thậm chí đến từng đối tượng cụ thể. Nhờ vậy, việc triển khai thực hiện Quyết định 62 trong suốt thời gian qua bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, tạo được dư luận tốt trong đời sống xã hội.
Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định 62 của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp, công tác tuyên truyền cũng đã góp một phần rất quan trọng trong thực hiện chủ trương nói trên. Theo đó, các địa phương trong cả nước đã phát huy được vai trò của các tổ chức và các phương tiện thông tin đại chúng. Trong tuyên truyền, nhiều địa phương đã có những cách làm rất sáng tạo, sát với điều kiện cụ thể, bảo đảm cho mọi người dân nắm chắc các nội dung của Quyết định 62; nắm chắc cách thức, quy trình làm hồ sơ và tổ chức xét duyệt. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, không chỉ giúp các cơ quan chức năng triển khai nhanh, mà còn là điều kiện để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội ở từng địa phương đối với các đối tượng được thụ hưởng.
Một vấn đề có ý nghĩa quyết định là quá trình tổ chức xét duyệt, thẩm định hồ sơ, ra quyết định hưởng chế độ theo quy định được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, công khai và đúng đối tượng. Theo đó, ở cấp huyện, ban chỉ đạo và các cơ quan chức năng đã thường xuyên bám sát cơ sở, trực tiếp tham gia và chỉ đạo hội nghị xét duyệt hồ sơ của hội đồng chính sách cấp xã, phường, thị trấn. Vì vậy, việc xét duyệt được tiến hành chặt chẽ ngay từ cơ sở. Số hồ sơ chưa đủ điều kiện đều được hội đồng chính sách và các thành viên của ban chỉ đạo phúc đáp kịp thời.
Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thực hiện Quyết định 62, Ban Chỉ đạo 24 Bộ Quốc phòng nhận thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm cần sớm được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Những khuyết điểm trong thực tế triển khai thực hiện biểu hiện ở các mức độ khác nhau, ở các khâu khác nhau, nhưng trong đó đáng chú ý nhất là việc hướng dẫn, tổ chức lập hồ sơ, xét duyệt ở cấp xã, phường, thị trấn của một số địa phương chưa được thực hiện một cách chặt chẽ, còn để xảy ra sai sót. Thậm chí, một số địa phương do hạn chế trong hướng dẫn các đối tượng làm hồ sơ thiếu chu đáo nên còn có hiện tượng làm đi, làm lại nhiều lần, gây phiền hà cho đối tượng, gây lãng phí cho xã hội và làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung.
Từ những kết quả và hạn chế qua thực tiễn sau hơn một năm triển khai thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ, về mục tiêu trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 24 Bộ Quốc phòng xác định: Cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Quyết định 62; chú ý nâng cao chất lượng việc xét duyệt hồ sơ, bảo đảm đúng quy trình, chặt chẽ, chính xác, dân chủ và minh bạch; tổ chức chi trả kịp thời cho các đối tượng, chủ động xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Trong năm 2013, phấn đấu ở cấp xã, phường, thị trấn tiến hành xét duyệt và báo cáo lên cấp huyện khoảng 90% hồ sơ của các đối tượng được thụ hưởng theo Quyết định 62 trên địa bàn. Ở cấp huyện và cấp tỉnh, tổ chức xét duyệt, thẩm định báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét khoảng từ 75% đến 80% số lượng hồ sơ do cấp cơ sở gửi đến cho các đối tượng hưởng trợ cấp một lần. Tập trung xem xét, thẩm định ra quyết định cơ bản xong đối với các đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng, chuyển ngành lao động, thương binh - xã hội tiến hành chi trả và làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương, đơn vị cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức rút kinh nghiệm sau hơn một năm triển khai thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung tuyên truyền cần phổ biến để mọi người dân, mọi đối tượng nắm được những vấn đề cơ bản, cốt lõi của Quyết định 62 và các văn bản hướng dẫn, chú trọng ở cấp xã, phường, thị trấn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời việc kê khai hồ sơ của số đối tượng có giấy tờ liên quan hoặc không còn lưu giữ được giấy tờ. Đây là số đối tượng chiếm tỷ lệ lớn và thời gian tới cũng là đối tượng mà các cấp trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và tiến hành xét duyệt. Vì vậy, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của quần chúng nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan, nhằm bảo đảm tính chính xác nhưng không để xảy ra tình trạng sót, lọt trên từng địa bàn, từng cơ quan, đơn vị.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; tiếp tục kiện toàn và phát huy vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo các cấp và từng thành viên; thực hiện tốt việc phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa cơ quan quân sự, công an và các ban, ngành có liên quan. Tổ chức chặt chẽ việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ ngay từ cấp cơ sở, kiên quyết không để xảy ra tiêu cực.
Ba là, thường xuyên bồi dưỡng về trách nhiệm, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách ở các cấp, nhất là số cán bộ mới được bổ sung; tiếp tục tăng cường lực lượng đối với những đơn vị, địa phương có số lượng đối tượng nhiều ở cả ba cấp (huyện, tỉnh, quân khu); chú ý cấp huyện phải cử cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong xét duyệt, thẩm định hồ sơ. Chỉ đạo, quản lý và sử dụng tốt bản danh mục địa bàn và việc xác nhận quá trình công tác đối với các trường hợp không còn lưu giữ được giấy tờ, bảo đảm chính xác, đúng quy định.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chắc tình hình thực hiện Quyết định 62 ở các cấp; giải quyết kịp thời những vướng mắc của các đơn vị, địa phương và đối tượng chính sách. Thực hiện tốt nền nếp, chế độ thông tin, báo cáo; tổ chức tốt việc sơ kết, rút kinh nghiệm ở các cấp; biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình thực hiện.
Năm là, tăng cường sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 24 Bộ Quốc phòng với các cơ quan chức năng ở từng bộ, ngành Trung ương nhằm tiếp tục nghiên cứu, sớm đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp khắc phục các vướng mắc theo kiến nghị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời kết hợp với việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ với thực hiện các chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, góp phần an sinh xã hội.
Quán triệt, triển khai thực hiện tốt công tác chính sách đối với người có công với cách mạng nói chung, Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ nói riêng không chỉ là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đối với những người đã hiến dâng sức lực, trí tuệ, tính mạng của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân; mà còn trực tiếp xây dựng thế trận quốc phòng, thế trận lòng dân vững chắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay; tạo ra những điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển toàn diện, vững chắc.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Ireland
- Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ
- Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba
- Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào Thi đua Quyết thắng, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”
- Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc