Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong quân đội

16:21 | 08/07/2013

(Bqp.vn) - Với chức năng là đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất, Quân đội nhân dân luôn là lực lượng nòng cốt trong khắc phục hậu quả mỗi khi thiên tai, sự cố xảy ra. Hiện nay, tình hình thời tiết, thiên tai, sự cố tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, nên việc đẩy mạnh công tác này trong quân đội là nội dung cấp thiết.


Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An tập huấn phương pháp cứu hộ, cứu nạn. (ảnh: QĐND)

Nằm trong vùng ảnh hưởng trọng điểm của biến đổi khí hậu toàn cầu, lại đang trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước nên tình hình thiên tai, sự cố ở nước ta xảy ra với tần xuất cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Chỉ tính riêng năm 2012, toàn quốc đã xảy ra hơn 3.400 vụ; trong đó, thiên tai: 360 vụ; tai nạn trên sông, biển: 996 vụ; hỏa hoạn: 1.543 vụ,… làm chết và bị thương hơn 1.700 người và thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước, quân đội và nhân dân. Vì thế, phòng, chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân mà Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia TKCN, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Văn phòng thường trực Ủy ban Quốc gia TKCN) đã chủ động tham mưu giúp Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và TKCN đối với toàn quân. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống lụt bão, cháy nổ, cháy rừng và TKCN sát thực tế; đồng thời, tổ chức huấn luyện, diễn tập và làm công tác bảo đảm (con người, phương tiện kỹ thuật) chu đáo để sẵn sàng ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra. Nét nổi bật là, các đơn vị trong toàn quân đã xác định rõ trách nhiệm, coi đây là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, hệ thống cơ sở bảo đảm, trạm TKCN được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp theo hướng cơ bản, bền vững, bố trí hợp lý trên các vùng, miền, nhất là trên hướng biển và các địa bàn trọng điểm về thiên tai… Điều đó tạo cơ sở vững chắc cho các đơn vị nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, sự cố và TKCN, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ môi trường, ổn định đời sống nhân dân. Năm 2012, mặc dù số vụ thiên tai, sự cố tăng 24% (so với năm 2011), nhưng do các đơn vị triển khai nhiều biện pháp phòng, chống và TKCN đồng bộ, kịp thời nên thiệt hại về người đã giảm 17%; trong đó, số người được cứu vớt trên sông, biển tăng 97%. Riêng 5 tháng đầu năm 2013, tuy số vụ thiên tai, sự cố tăng 46% (so với cùng kỳ năm 2012) nhưng thiệt hại về người đã giảm 14,3%. Qua đó, Quân đội nhân dân tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của mình trong thực hiện phòng, chống thiên tai, sự cố và TKCN.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng chống, thiên tai, sự cố, TKCN trong quân đội vẫn có mặt hạn chế, như: nhận thức về công tác này của một số cấp ủy và cán bộ, chiến sĩ chưa đầy đủ, còn biểu hiện tư tưởng chủ quan, coi nhẹ; công tác huấn luyện, diễn tập ở một số đơn vị chưa sát với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ; việc phân vùng bố trí lực lượng, phương tiện trên các địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; công tác phối hợp giữa các lực lượng trong TKCN trên biển và ở các khu vực trọng điểm còn bất cập.

Thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn nước ta sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường; trong khi các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng sôi động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn và sự cố lớn xảy ra. Để đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai và TKCN trong quân đội, trước hết, các đơn vị cần coi trọng việc xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án sát đúng với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn từng địa bàn. Việc xây dựng hệ thống kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, TKCN của các đơn vị phải có tính hệ thống, khoa học và mang tính khả thi cao; phải bám sát yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng địa bàn, nhất là trên các hướng, khu vực trọng điểm về thiên tai; được phê duyệt theo phân cấp để làm cơ sở triển khai thực hiện. Các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, tiến hành khảo sát nắm chắc tình hình địa bàn, nhất là các công trình thủy lợi, địa hình, dân cư và các dự báo về thiên tai, sự cố có thể xảy ra; trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, TKCN để sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với mọi tình huống. Riêng đối với các khu vực, địa bàn có hệ thống đê điều, hồ, đập chứa nước hoặc nơi thường xảy ra lũ ống, lũ quét…, cơ quan quân sự, biên phòng các tỉnh cần làm tốt công tác tham mưu và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác của Bộ, của địa phương để thống nhất các kế hoạch, phương án bảo vệ, nhất là ở những khu vực xung yếu nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình và nhân dân cả thường xuyên cũng như khi có thiên tai, sự cố. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch, phương án, các cơ quan này cần nghiên cứu dự kiến các tình huống có thể xảy ra, làm cơ sở để bố trí lực lượng, phương tiện; xác định những việc phải làm ngay, những việc cần chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác xử lý có hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Thực tiễn cho thấy, hiệu quả của phòng, chống thiên tai, sự cố và TKCN không chỉ phụ thuộc vào số lượng người và phương tiện tham gia, mà điều cốt yếu là khả năng, trình độ, kỹ năng, chất lượng của các lực lượng, phương tiện đó, nhất là đối với các lực lượng làm nhiệm vụ chuyên trách và kiêm nhiệm. Vì vậy, tăng cường công tác huấn luyện nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành và năng lực TKCN cho các lực lượng là vấn đề có tính quyết định. Trên cơ sở quán triệt Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng hằng năm của Tổng Tham mưu trưởng, các đơn vị cần cụ thể hóa nội dung huấn luyện về cứu hộ, cứu nạn thành kế hoạch, chương trình, nội dung thống nhất, phù hợp để tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực TKCN cho từng lực lượng trong các tình huống thiên tai. Đối với lực lượng chuyên trách, tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, kỹ năng thực hành và khả năng cơ động, phối hợp giữa các bộ phận trong xử lý các tình huống phức tạp. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên sâu, sử dụng thành thạo các loại phương tiện hiện đại được trang bị để xử lý các sự cố, thảm họa trọng điểm, như: cứu sập công trình; cứu hộ, cứu nạn đường không, đường biển; khắc phục sự cố tràn dầu; thảm họa hóa chất, sinh học; cấp cứu mỏ… Lực lượng này ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất ở trong nước, còn sẵn sàng tham gia các hoạt động cứu trợ quốc tế khi cần thiết. Đối với các đơn vị kiêm nhiệm, cần căn cứ vào nhiệm vụ và tình hình địa bàn để xác định nội dung huấn luyện cho phù hợp; trong đó, chú ý kết hợp huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo phương tiện trong biên chế và biết sử dụng những trang bị mới, hiện đại; đồng thời, nắm vững các kiến thức phổ thông về phòng, chống thiên tai, như: cách chằng chống nhà cửa, kho tàng; sử dụng các phương tiện thô sơ, tự tạo và các phương pháp cấp cứu người tại chỗ trong điều kiện bão lụt, thảm họa. Trong các nhà máy quốc phòng, doanh nghiệp quân đội, cần chú trọng huấn luyện mọi người nắm vững quy trình sản xuất, an toàn lao động, nhất là những người tiếp xúc trực tiếp với thuốc nổ, thuốc phóng và đồ dùng gây nổ. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp chủ động hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án đã được phê duyệt, nâng cao khả năng phối hợp, tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống thiên tai, TKCN trên từng địa bàn, nhất là nơi trọng điểm, xung yếu. Trong luyện tập, diễn tập, điều đáng lưu ý là phải bảo đảm sát thực tế, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn; đồng thời, coi trọng việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để vừa phòng, chống có hiệu quả, vừa làm chủ được tình hình, ổn định đời sống nhân dân khi bị chia cắt, cô lập trong thiên tai, thảm họa.

Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế sâu, rộng, nước ta cần tăng cường mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế về phòng, chống thiên tai, sự cố và TKCN. Theo đó, chúng ta cần chú trọng hợp tác trong việc chia sẻ kinh nghiệm, dự báo, cảnh báo về thiên tai, đầu tư trang bị, thiết bị chuyên dụng và cơ chế phối hợp hành động. Xuất phát từ thỏa thuận đạt được giữa các nước ASEAN và sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đang tích cực hoàn thiện cơ chế hợp tác với quân đội các nước ASEAN về hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai và TKCN; đồng thời, triển khai các chương trình hợp tác ứng phó thiên tai, sự cố trên biển với các nước có biển liền kề. Năm 2013, cùng với nỗ lực huấn luyện đưa lực lượng cứu hộ, cứu nạn tham gia Diễn tập hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Bru-nây (tháng 6/2013), các lực lượng chức năng đang tích cực phối hợp, chuẩn bị để kịp đăng cai tổ chức Diễn tập ứng phó thiên tai khu vực ASEAN (ADREX 13) tại Việt Nam. Đây là sự hợp tác quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế về công tác ứng phó thiên tai, sự cố và TKCN; hơn nữa, cũng là dịp để chúng ta giao lưu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ, khả năng của lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ. Trên nền tảng đó, thời gian tới, quân đội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhằm trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm về huấn luyện, đào tạo, quản lý, phòng ngừa thiên tai, sự cố và TKCN; trong đó, việc hợp tác để nâng cao khả năng trang bị cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng là vấn đề rất quan trọng.

Hiện nay, để ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, thảm họa theo quy định trong Quyết định 76/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu hiện đại hóa trang bị cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng ngày càng tăng; trong khi đó, nguồn ngân sách bảo đảm và việc tiếp thu kỹ thuật hiện đại gặp nhiều khó khăn (do cán bộ hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ)… Vì vậy, bên cạnh việc tiếp cận có lựa chọn nguồn trang bị hiện đại, cần đẩy mạnh hợp tác với các nước có nền kỹ thuật công nghệ tiên tiến để đào tạo cán bộ, chuyển giao công nghệ sử dụng, bảo quản nhằm khai thác tối đa tính năng, tác dụng các trang bị, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, hạn chế thấp nhất sự xuống cấp của phương tiện, góp phần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, sự cố và TKCN của các lực lượng trong quân đội, đáp ứng tốt yêu cầu khi có tình huống thiên tai, thảm họa xảy ra.

File đính kèm:

Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Nguồn: Tạp chí QPTD)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.