Web Content Viewer
ActionsĐẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật QS, QP để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực QS, QP
(Bqp.vn) - Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã xác định “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh nhằm xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; thể chế hóa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố và xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện pháp luật về biên giới quốc gia, vùng biển, vùng trời; về tổ chức, hoạt động lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là định hướng quan trọng để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng đồng bộ, thống nhất, khả thi, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về quốc phòng toàn dân.
Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng triển khai đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, đến nay đã đạt được những tiến bộ quan trọng: Hoạt động xây dựng pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân; phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động xây dựng pháp luật về lĩnh vực quân sự quốc phòng luôn tuân thủ quy định của Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ nên đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng được đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, chất lượng văn bản được nâng lên. Các văn bản khi ban hành đều đúng quy định của pháp luật, có tính khả thi và nhận được sự đồng tình của xã hội. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện đã góp phần thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng còn những hạn chế cần nghiên cứu hoàn chỉnh như: Hệ thống pháp luật quân sự, quốc phòng còn chưa đồng bộ, nhiều quan hệ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, một số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhưng không còn phù hợp chưa sửa đổi, bổ sung; chất lượng xây dựng văn bản có lúc chưa cao; tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư còn chậm, có văn bản phải xin rút hoặc điều chỉnh thời gian ban hành; tính thống nhất, ổn định của văn bản không cao, còn phải sửa đổi, bổ sung nhiều; tính khả thi của một số văn bản quy phạm còn hạn chế, có quy định ban hành sau một thời gian ngắn đã bị lạc hậu so với thực tiễn.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị về vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ; trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ và còn mang tính hình thức, chưa chặt chẽ và hiệu quả; năng lực, kỹ năng soạn thảo văn bản của một số cán bộ còn hạn chế, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau; công tác pháp chế của các cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng đúng mức.
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị các cấp về vị trí vai trò của công tác pháp chế nói chung, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng nói riêng.
Thứ hai, đổi mới việc lập và xây dựng Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hằng năm. Việc lập dự kiến Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật cần được nghiên cứu, xây dựng từ yêu cầu thực sự của thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng để xây dựng. Tăng cường trách nhiệm lãnh đạo chỉ huy các cấp và năng lực các cơ quan tham gia trong việc xây dựng và thực hiện chương trình theo quy định của pháp luật. Đầu tư kinh phí thỏa đáng cho việc lập chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như đối với xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ ba, nâng cao trình độ và năng lực soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của cán bộ pháp chế, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật ở cơ quan, đơn vị. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ tư, nâng cao chất lượng thẩm định đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Công tác thẩm định phải được thực hiện một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng từ nội dung đến ngôn ngữ pháp lý của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định. Về mặt nguyên tắc, các văn bản dù cấp thiết đến đâu cũng phải được xây dựng đạt chất lượng tốt nhất mới trình ban hành, còn chất lượng chưa đảm bảo thì phải tiếp tục hoàn chỉnh.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đang thực hiên để kịp thời, phát hiện hủy bỏ những quy định không còn hiệu lực, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn hoặc sửa chữa, bổ sung các quy định chưa rõ nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản, tạo sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật của Nhà nước.
Thứ sáu, khai thác, ứng dụng tối đa thành tựu của khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp, tiến độ, chất lượng và hiệu quả quy trình xây dựng pháp luật. Xây dựng và khai thác hiệu quả hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quân sự, quốc phòng là hoạt động xây dựng thể chế có ý nghĩa quan trọng góp phần để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị, đề cao tinh thần trách nhiệm, xác định biện pháp, chủ trương phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Nâng cao năng lực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật - Yếu tố quyết định sự hoàn thiện của pháp luật về quân sự, quốc phòng
- Triển khai thi hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
- Bài viết của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về thực hiện ý nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát huy vai trò của Bộ đội Hải quân trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
- Tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới