Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Nâng cao hiệu quả “Ngày Pháp luật” ở Trường Sỹ quan Kỹ thuật quân sự

09:02 | 11/11/2014

(Bqp.vn) - Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BQP ngày 20/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc triển khai “Ngày Pháp luật” trong Quân đội, quá trình thực hiện tại Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự cho thấy, tổ chức “Ngày Pháp luật” là một mô hình có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiết thực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Hoạt động “Ngày Pháp luật” đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho cán bộ, đoàn viên công đoàn của Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự.

Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động “Ngày Pháp luật” thời gian qua tại Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự đã bộc lộ: Việc đổi mới hình thức hoạt động “Ngày Pháp luật” còn hạn chế. Các đơn vị chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp cổ truyền; chỉ huy đơn vị sử dụng phương pháp đọc tài liệu đã được biên soạn cho bộ đội nghe. Hầu hết các đơn vị chưa có báo cáo viên pháp luật chuyên nghiệp, chưa có nguồn tài liệu tham khảo phong phú và chưa được đầu tư đúng mức về kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện một buổi tuyên truyền pháp luật thực sự có hiệu quả. Một số đơn vị lồng ghép thực hiện “Ngày Pháp luật” với “Ngày Đảng”, do đó, thời lượng dành cho tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Mặt khác, người chủ trì thực hiện “Ngày Pháp luật” ở đơn vị cơ sở thường là Bí thư chi bộ hoặc Chính trị viên đại đội, cơ bản chưa được đào tạo chuyên sâu về pháp luật và do bận nhiều công việc nên chưa có nhiều thời gian dành cho việc nghiên cứu để nắm chắc, hiểu sâu các nội dung tuyên truyền, cho nên việc thực hiện tuyên truyền có lúc còn mang tính hình thức, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện “Ngày Pháp luật” ở các đơn vị. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật thường mới chỉ đề cập đến các chỉ thị, quy chế, quy định của các văn bản có liên quan đến nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan đơn vị, các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, chưa có những nội dung mang tính lý luận nhằm cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ những hiểu biết sâu rộng, căn bản hơn của các văn bản quy phạm pháp luật, do đó, các nội dung tuyên truyền, phổ biến trở thành khô khan, khó hiểu và chóng quên. Những yếu tố trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của ngày pháp luật ở đơn vị cơ sở hiện nay.

Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả “Ngày Pháp luật” ở đơn vị cơ sở trong thời gian tới, xin trao đổi một số giải pháp như sau:

Một là, khẩn trương củng cố đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở các đơn vị cơ sở. Báo cáo viên pháp luật phải là người có chuyên môn pháp luật. Trong các nhà trường quân đội đều có đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật; nhiều người đã có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ luật. Đây là đội ngũ sĩ quan có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức pháp luật chuyên sâu và khả năng tuyên truyền tốt cần được phát huy, sử dụng tốt hơn nữa trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở đơn vị cơ sở. Tuy nhiên, cũng cần đưa đội ngũ này vào các hoạt động thực tế, bằng cách tạo điều kiện để các đồng chí được tham gia vào hoạt động xét xử với tư cách là Hội thẩm quân nhân, cử tham dự các phiên tòa... để tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, làm cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phong phú và thuyết phục hơn. Mặt khác, đối với đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở đơn vị cơ sở cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa và công nhận là báo cáo viên pháp luật để bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm, phát huy đội ngũ này làm nòng cốt nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện ngày pháp luật ở đơn vị cơ sở.

Hai là, cần thống nhất chương trình, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng, trong đó, cần chú trọng đến kiến thức lý luận chung về nhà nước và pháp luật. Điều này là cần thiết cho mọi cán bộ, chiến sĩ, kể cả đối với đối tượng chiến sĩ mới. Bởi vì, những kiến thức lý luận về nhà nước và pháp luật sẽ là nền tảng, cơ sở lý luận quan trọng để cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu hơn, rõ hơn các quy định của các văn bản cụ thể. Do đó, cần có chương trình thống nhất cho từng năm, từng đối tượng cho phù hợp hơn.

Ba là, cần kết hợp các hình thức tuyên truyền miệng với các hình thức khác như: tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí... Qua thực tế cho thấy, nhu cầu được trao đổi thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội là rất lớn và là một nhu cầu khách quan, cần thiết. Bởi vì, xã hội càng phát triển, luật pháp cũng phát triển theo để quản lý xã hội. Do đó, việc cung cấp các thông tin pháp luật mới một cách kịp thời là một nhu cầu chính đáng của mọi công dân, nhất là đối với quân nhân, những người học tập, công tác trong môi trường quân đội, ít có điều kiện, thời gian tiếp xúc với môi trường ngoài xã hội. Ngoài nội dung chương trình, thời gian giáo dục pháp luật đã được quy định, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất để đa dạng hóa tổ chức các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong “Ngày Pháp luật”, tránh sự đơn điệu dẫn đến nhàm chán. Hơn nữa, các đơn vị cơ sở căn cứ vào nội dung, hình thức để xác định cấp tổ chức “Ngày Pháp luật” cho phù hợp, hiệu quả, không nên chỉ tổ chức “Ngày Pháp luật” thường xuyên ở cấp đại đội.

File đính kèm:

Thượng tá Nguyễn Văn Vi, Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.