Web Content Viewer
ActionsKịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới
(Bqp.vn) - Thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong thời gian qua công tác pháp chế đã được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tương đối đồng bộ cả về tổ chức và hoạt động, đã góp phần phục vụ tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và củng cố quốc phòng, an ninh.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, tặng hoa chúc mừng đ/c Đại tá Hàn Mạnh Thắng.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, những năm vừa qua Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng đã thực hiện có hiệu quả các mặt công tác pháp chế trong Quân đội, gồm: Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý công tác xây dựng, ban hành, rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến giáo dục pháp luật; kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý công tác bồi thường của Nhà nước; thực hiện pháp luật về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; nghiên cứu, tổng hợp các mặt công tác pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng [1].
Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tổ chức bộ máy Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải được khắc phục, tháo gỡ kịp thời. Đó là:
Thứ nhất, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các Nghị định về kiểm soát thủ tục hành chính và Thông tư số 79/2013/TT-BQP ngày 26/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế trong Quân đội, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng đã được giao rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn như: Xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính; công tác kiểm soát thủ tục hành chính; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; công tác bồi thường của Nhà nước; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế ... Tuy nhiên, với quân số hiện nay mới chỉ đáp ứng được một số công việc như: Tổ chức tham gia soạn thảo, tổng hợp, thẩm định, đề xuất các ý kiến đóng góp vào các văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng xây dựng kế hoạch phối hợp, tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở tầm vĩ mô; tiến hành rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Bộ Quốc phòng.
Thứ hai, tổ chức, hoạt động chưa có sự phát triển tương xứng với nhiệm vụ công tác pháp chế. Thực tế do yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hiện nay đã có nhiều nhiệm vụ mới phát triển, được giao cho Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng theo quy định của các luật, nghị định của Chính phủ và quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như: Quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính; nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý cho phép Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc; tổ chức, triển khai thực hiện Luật Nhân đạo quốc tế; tham gia thẩm định các hợp đồng xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng; tham mưu cho Thủ trưởng Bộ giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quản lý đất quốc phòng; tham mưu trong công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo; tham mưu về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp… Do tổ chức bộ máy của Vụ Pháp chế còn nhiều bất cập, chủ yếu hoạt động theo chế độ làm việc trực tiếp giữa thủ trưởng và trợ lý, phối hợp giữa các trợ lý với nhau để giải quyết công việc, mà chưa được tổ chức thành các phòng chức năng để thực hiện chuyên sâu theo các nhiệm vụ mà pháp luật và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao. Dẫn đến, chất lượng hoàn thành các nhiệm vụ công tác pháp chế còn nhiều hạn chế, nhất là đối với các nhiệm vụ có tính chất phức tạp, đòi hỏi phải có quy trình kiểm soát chặt chẽ như công tác thẩm định văn bản, công tác tham mưu đề xuất các vấn đề về hoạt đông tư pháp, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác cải cách tư pháp...
Để kịp thời khắc phục những vấn đề bất cập nảy sinh nêu trên, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu kiện toàn Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng để đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Văn phòng Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu, xây dựng hoàn thành Đề án “Kiện toàn Vụ Pháp chế và hệ thống cơ quan, biên chế cán bộ pháp chế trong Quân đội” và báo cáo được Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, nhất trí thông qua. Trên cơ sở Kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương, ngày 24/6/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 2332/QĐ-BQP về việc kiện toàn Vụ Pháp chế và hệ thống cơ quan, biên chế cán bộ pháp chế trong Quân đội. Theo đó, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng được tổ chức thành 04 phòng chức năng, gồm: Phòng Tổng hợp; Phòng Kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính; Phòng Pháp luật hành chính và phổ biến giáo dục pháp luật, Phòng Pháp luật tư pháp, để thực hiện tham mưu, đề xuất chuyên sâu về các lĩnh vực như: Công tác xây dựng văn bản pháp luật, công tác tư pháp, công tác cải cách tư pháp, công tác thanh tra... Tổ chức pháp chế cơ quan, đơn vị được tổ chức tới cấp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bố trí 01 đồng chí trợ lý kiêm nhiệm công tác pháp chế thuộc Văn phòng).
Có thể khẳng định, Quyết định số 2332/QĐ-BQP ngày 24/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc kiện toàn Vụ Pháp chế và hệ thống cơ quan, biên chế cán bộ pháp chế trong Quân đội đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để củng cố, kiện toàn về cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế và tổ chức pháp chế cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng một cách căn bản. Đảm bảo để Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng nói riêng và hệ thống cơ quan, cán bộ pháp chế toàn quân nói chung đủ sức hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và bảo vệ lợi ích của Quân đội.
[1] Từ năm 2007 đến tháng 10 năm 2013 đã chủ trì xây dựng 1.089 văn bản quy phạm pháp luật (năm 2007 xây dựng và trình ban hành 226 văn bản, năm 2010: 288 văn bản, năm 2011: 195 văn bản, năm 2012: 146 văn bản, sáu tháng đầu năm 2013: 77 văn bản).
- Đã hoàn thành công tác hợp nhất văn bản QPPL được ban hành từ trước tháng 12/2013.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
- Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân
- Sơ kết thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- Tổng kết công tác xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
- Khai trương Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của Bộ Quốc phòng