Web Content Viewer
ActionsThượng tướng Hoàng Xuân Chiến chủ trì phiên họp Ban Soạn thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
(Bqp.vn) - Sáng 5/7, tại Hà Nội, Ban Soạn thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc đã tổ chức Phiên họp lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Soạn thảo Luật. Dự phiên họp có Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Soạn thảo Luật cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng.
Quang cảnh phiên họp.
Trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 32 (tháng 4/2024) về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó có dự án xây dựng Luật Tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng đã ban hành quyết định thành lập Ban Soạn thảo Luật.
Tại phiên họp lần này, Ban Soạn thảo Luật đã thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung như quy chế và phương pháp làm việc của Ban Soạn thảo; việc xây dựng kế hoạch, lộ trình soạn thảo dự án luật; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung trong hồ sơ của dự án luật… Theo đó, tùy tình hình, nhu cầu thực tiễn nhiệm vụ và khả năng, nhu cầu của Việt Nam để đưa ra những đề xuất điều chỉnh phạm vi và đối tượng áp dụng; điều chỉnh một số mốc thời gian trong lộ trình xây dựng dự án luật phù hợp với khối lượng công việc phải triển khai ở từng giai đoạn, nhằm bảo đảm kịp tiến độ đề ra; tăng cường các hoạt động làm việc chuyên môn và hoạt động nhóm thông qua hội thảo, hội nghị để tiếp thu được nhiều nhất ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cơ quan chức năng cho dự án luật.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn phát biểu tại phiên họp.
Các đại biểu nhấn mạnh, từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử 802 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi thực hiện nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ đã phát sinh những bất cập, chủ yếu từ việc thiếu cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Vì vậy, việc xây dựng Luật Tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc không chỉ đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc, mà còn củng cố sự đồng thuận chính trị và sự ủng hộ của xã hội đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp vào sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc là GGHB thế giới.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, các quy định trong dự thảo luật phải bảo đảm không tạo ra mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ và khắc phục được hạn chế trong thực tiễn triển khai nhiệm vụ liên quan. Qua việc rà soát, đánh giá từng điều khoản cụ thể trong dự án luật, đối chiếu với các chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cho thấy về cơ bản nội dung dự án luật phù hợp với các văn bản của Đảng, Hiến pháp và quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có thể chế hóa một số nội dung trong các văn bản của Đảng, đồng thời có kế thừa, phát huy các quy định của pháp luật hiện hành qua đánh giá vẫn còn phù hợp. Việc tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc của Việt Nam về cơ bản đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
Tuy nhiên, quá trình triển khai hoạt động GGHB Liên hợp quốc vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc mà các quy định hiện hành chưa giải quyết được, nên cần phải nâng lên thành luật. Trong đó, một số bất cập đáng chú ý như quy trình, thủ tục triển khai cá nhân, đơn vị tới địa bàn phải thực hiện qua nhiều bước, trình nhiều cấp có thẩm quyền cho ý kiến và xem xét, quyết định, nhưng việc đề xuất, xem xét giảm thiểu quy trình, thủ tục triển khai lực lượng gặp nhiều khó khăn do bị điều chỉnh bởi Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Hội đồng Quốc phòng và An ninh và các quy định có liên quan của Đảng. Để bảo đảm thời gian triển khai lực lượng đáp ứng được yêu cầu thì việc rút ngắn quy trình, thủ tục cử lực lượng là vấn đề cấp bách, cần thiết, đặc biệt quy trình rút lực lượng trong trường hợp khẩn cấp để bảo đảm an toàn tính mạng, trang thiết bị cho lực lượng Việt Nam tại địa bàn. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ còn bất cập, chưa có sự đồng thuận giữa các Ban, Bộ, ngành liên quan; một số chế độ, chính sách còn chưa mang tính ưu tiên, khuyến khích cao, nhất là đối với lực lượng nữ trong khi chính sách của Liên hợp quốc khuyến khích và yêu cầu quốc gia cử quân tăng tỷ lệ nữ tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng dự án luật vì tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc là góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình, trực tiếp nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập và các ý kiến đóng góp chất lượng, có trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành cho dự án luật; đề nghị khi xây dựng dự án luật phải bám sát Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc đã được Bộ Chính trị thông qua, Đề án của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về Quân đội nhân dân, Công an nhân dân tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo… đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, các điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến giao các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, nghiên cứu điều chỉnh các nội dung, hoàn thiện dự án luật.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Tổng cục Kỹ thuật tổng kết thi hành Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
- Quân đoàn 12 tổng kết thi hành Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
- Tổng cục Hậu cần tổng kết thi hành Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015
- Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng rà soát tiến độ soạn thảo, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2024
- Quân khu 9 tổng kết thi hành Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015